Du lịch phải trở thành “hiệp sĩ bảo tồn”

0

Du lịch thân thiện môi trường, du lịch sinh thái, du lịch ít tác động… đã trở thành hình thức du lịch đáng tin cậy trong thương mại du lịch toàn cầu, nhưng dường như chúng vẫn còn quá nhỏ bé so với loại hình du lịch ồ ạt đưa hàng trăm triệu du khách đến các khu nghỉ mát ở khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, cuối cùng ngành du lịch có vẻ đã nhận ra hậu quả về môi trường vốn gây ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của họ; và bây giờ các nhà môi trường học có tầm nhìn xa trông rộng đang đưa ra các giải pháp khai thác ngành dịch vụ này để gây quỹ bảo tồn các hệ sinh thái biển mà ngành này phụ thuộc vào.

Câu chuyện “Cancun hóa” 

Bãi biển Cancun thuộc Mexico từng nổi tiếng với những dải cát trắng ngút ngát tầm mắt, nhưng bởi đã “làm ngơ” các hệ sinh thái quan trọng trong hơn ba thập kỷ, bãi biển này đang phải trả giá vì nguy cơ mất đi vĩnh viến vẻ đẹp của một vùng đất từng được mệnh danh là “thiên đường vùng Caribê”. Hàng loạt các khách sạn sang trọng đang “xâu xé”
khoảng không gian bãi cát cửa sông dài 12 dặm của bờ biển này. Hiện nay hòn đảo bị chính các dự án phát triển tàn phá, không thể chống chọi được những đợt chiều xuống theo mùa cuốn theo những dòng cát trắng mịn. Theo một số nhà khoa học, dường như các nỗ lực cứu vãn Cancun đã trở nên quá muộn màng. Cancun đã suy thoái nghiêm trọng đến mức trở thành nguồn gốc cho sự ra đời của một danh từ mới – “sự cancun hóa”vùng duyên hải.
Trách nhiệm và quyền lợi gắn liền của ngành du lịch
Chính ngành Du lịch phải chịu trách nhiệm về tình trạng gây ra đối với các bãi biển như Cancun và ngành Du lịch cũng đồng thời có thể đưa ra giải pháp cho các điểm nghỉ mát ven biển, các hệ sinh thái biển dễ bị suy thoái tương tự trên toàn thế giới, trước khi suy thoái trở nên nghiêm trọng tới mức không thể cứu vãn. Theo nhận định của các tổ chức môi trường, ngành công nghiệp du lịch có thể chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái để bảo vệ chính nguồn vốn đầu tư của ngành. Bằng cách đó, các hệ sinh thái quý giá ở biển và
ven biển chưa bị suy thoái trị giá hàng tỷ đô-la có thể tránh được số phận của Cancun. Những vỉa san hô, rừng ngập mặn và vạt cỏ biển hình thành và bảo vệ các bãi biển một cách tự nhiên vốn không được ngành du lịch tập trung bảo vệ, mặc dù chúng cung cấp những dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu mà ngành công nghiệp này phụ thuộc vào. Chúng chống bão, chống xói mòn bờ biển và tạo môi trường sống cho hàng ngàn loài sinh vật biển như cá, rùa biển, tôm hùm… Các doanh nghiệp du lịch đã bỏ túi không ít đô-la từ khai thác vẻ đẹp của hệ sinh thái biển, nhưng con số chi cho bảo tồn lại rất ít ỏi. Hiện nay, mỗi năm có từ hai tới ba tỉ đô-la được chi cho các khu cần bảo tồn trên toàn thế giới, theo thống kê của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế. Tuy nhiên, số tiền cần thiết để có thể bảo tồn sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa của thế giới ước tính phải gấp khoảng từ hai đến 20 lần số tiền đó – Barry Spergel, một luật sư quốc tế và nhà tư vấn môi trường cho biết tại một buổi hội thảo về môi trường.
Du lịch phải là “Hiệp sĩ áo trắng”
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số cộng đồng ven biển đã bắt đầu trích nguồn thu từ du lịch sinh thái để gây quỹ cho công tác bảo tồn. Đơn cử, Công viên Quốc gia Đảo Galapagos của Ecuador mỗi năm đón 80.000 du khách nước ngoài và họ thu của mỗi du khách 100 đô-la phí vào cửa. Australia lại thu 4 đô-la đối với mỗi du khách khám phá rạn san hô Great Barrier của mình… Thống kê của của Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết, du lịch sinh thái dưới biển và trong rừng mưa nhiệt đới chỉ chiếm 20% du lịch quốc tế. Chính vì thế, theo các nhà môi trường, để tạo ra nguồn kinh phí lớn cho công tác bảo tồn ven biển và quản lý hàng hải, ngành du lịch phải tăng nguồn thu từ những loại hình du lịch đại chúng trên cơ chế linh hoạt của thị trường, dựa vào các nguồn thu trực tiếp và các khoản phí cho dịch vụ sinh thái. Nếu làm được điều này, du lịch có thể trở thành “hiệp sĩ áo trắng” cứu nguy cho các hệ sinh thái biển thay vì làm hại chúng. Một số điểm du lịch hiện đã áp dụng thu tiền từ du lịch đại chúng để hỗ trợ các dịch vụ hệ sinh thái. Belize và Cộng hòa đảo Cook đã yêu cầu du khách nước ngoài trả một khoản phí bảo tồn khi vào hoặc ra khỏi đất nước. Một số khách sạn ở phía đông Caribê và trên những hòn đảo ngoài khơi ở Tây Ban Nha thu của du khách một khoản thuế dành cho bảo tồn và phục hồi sinh thái. Hồi tháng Chín, Tổng thống Maldives, Mohammed Nasheed, cũng công bố một “thuế xanh” 3 đô-la một ngày đối với tất cả khách du lịch đến các khu nghỉ dưỡng trên đảo nổi tiếng của đất nước ven Ấn Độ Dương này. Thật không may cho Cancun khi trở thành “vật hiến tế” để các nhà sinh thái lặp đi lặp lại câu nói “Chúng tôi đã bảo rồi mà”! Bởi lẽ, Cancun là một minh chứng rõ ràng cho việc ngành du lịch bỏ lợi nhuận vào túi mình mà không cần tái đầu tư vào các dịch vụ hệ sinh thái giúp họ đầy túi và họ đã phải trả giá.

Nguồn: Ecosystem Marketplace

Leave A Reply

4 − 2 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.