Khi cán bộ kiểm lâm cũng hăng say làm du lịch

0

Từ 5 đến 6 giờ chiều, thời điểm chim về tổ, đứng từ đỉnh tháp trong rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) phóng tầm mắt sẽ thấy một khoảng rừng xanh ngắt mênh mông với vô vàn những cánh cò, nhạn nhuộm trắng trời chiều.

Ở đó cũng là nơi 11 cán bộ kiểm lâm vừa khoác trên mình bộ quân phục màu xanh khi đi tuần vừa tham gia công tác quảng bá, tiếp thị vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên rừng tràm. Họ đã và đang ngày ngày góp phần tô thêm những gam màu thú vị cho bức tranh ngành du lịch Việt Nam. Kiểm lâm cũng…đi tour.
Cán bộ kiểm lâm đưa chúng tôi đi khám phá rừng tràm, ngắm đã đời vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ với những cây tràm cổ thụ soi bóng nước, lướt trên “thảm” bèo tấm màu mạ non. Và, giữa không gian thi vị ấy là tiếng chim gọi bầy xao xác cuối ngày, tiếng con non yếu ớt gọi mẹ. Thấp thoáng đâu đó dưới gốc tràm tua tủa rễ là chú chim non trót sa chân ngã từ ngọn cây xuống đang run rẩy và thoi thóp đợi chờ…
Trưởng trạm kiểm lâm Trà Sư Trần Ngọc Rạng cho biết: “Với cảnh quan tự nhiên phong phú, đặc sắc, từ giữa năm 2005 rừng tràm Trà Sư đã được Ủy ban nhân tỉnh An Giang công nhận là rừng đặc dụng có cảnh quan nằm trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia và được phép khai thác tiềm năng du lịch.”
Theo đó, từ năm 2006, Trạm kiểm lâm rừng tràm Trà Sư đã chính thức khai trương du lịch mùa nước nổi (từ tháng 7 tới tháng 12 hàng năm) và duy trì đều đặn cho tới nay. Mười một cán bộ nòng cốt của Trạm vốn chỉ quen canh gác, bảo vệ rừng nay được điều động đi tour cũng cố gắng hết sức làm quen và có nhiều niềm vui trong công việc mới.
Cán bộ ở đây, vừa phải làm nhiệm vụ của người kiểm lâm vừa lãnh vai trò hướng dẫn viên du lịch nên người nào nhà xa là phải “ăn dầm ở dề” với rừng. Thế nhưng, công việc nào cũng được các anh chị cống hiến hăng say, quên cả những thiếu thốn về trang thiết bị cũng như kỹ năng nghề, không quản ngại khó, ngại khổ. Và tuy chỉ được Chi cục Kiểm lâm tỉnh đầu tư gần hai chục chiếc xuồng lớn nhỏ, tắc ráng, xe đạp đôi cả thảy nhưng Trạm còn hút khách bằng đờn ca tài tử, ẩm thực với đặc sản mùa nước nổi như lá lóc nướng rui, cá linh kho me, cá rô kho tộ, bông điên điển xào tép đồng… nên dần dần cũng lôi kéo được du khách.
Hơn thế, cán bộ kiểm lâm là những người sống với rừng, hiểu và yêu rừng nên trong câu chuyện của các anh chứa đựng không chỉ vốn hiểu biết mà còn là tình yêu với từng ngọn cây, cánh chim, với các loài động vật quý hiếm nên dễ chạm tới lòng trắc ẩn người nghe. Tình yêu đó cũng là bù đắp cho những non nớt trong nghiệp vụ của những cán bộ khoác lên mình màu áo xanh tham gia làm du lịch.
Cái khó không bó lòng người
Với 845 ha diện tích vùng lõi, nhưng lực lượng cán bộ quá “mỏng” Trạm phải huy động và tạo điều kiện cho một số nông dân tham gia chạy xuồng đưa đón khách tham quan. Như anh Tư Dũng, nông dân chính hiệu của vùng nước nổi này đã gắn bó cùng bao chuyến đưa khách len lỏi qua những lạch nhỏ chằng chịt trong rừng tràm.
“Trung bình mỗi ngày thường tôi chạy được 1-2 chuyến, còn cuối tuần cao điểm cũng phải 3-4 chuyến. Cứ khi nào có khách các anh chị bên Trạm lại kêu và mỗi chuyến như vậy tôi được trả 25.000 đồng,” anh
Dũng nói. Với những nông dân như anh Tư Dũng, phòng du lịch Trạm kiểm lâm rừng tràm Trà Sư đã giúp họ có nguồn thu nhập ổn định và là nguồn chính nuôi sống cả gia đình.
Tuy nhiên, đó mới là một trong rất nhiều khó khăn mà Trạm kiểm lâm này đang phải đối mặt. Bởi, như các công ty lữ hành đã sẵn có nhân lực, vốn đầu tư cũng như kinh nghiệm khi “quăng” mình vào thương trường còn vấp phải nhiều trở ngại, huống hồ là cán bộ vốn chỉ quen với tuần tra, bảo vệ rừng…
“Chúng tôi không có chuyên môn về ngành du lịch, không có hướng dẫn viên, giao tiếp ứng xử với du khách còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, số vốn được đầu tư ít ỏi nên cơ sở hạ tầng và phương tiện đi lại còn sơ sài, thiếu thốn,” Trưởng trạm Trần Ngọc Rạng tâm sự. Cũng vì chưa được đầu tư quảng bá rộng rãi để trở thành một điểm đến hấp dẫn nên khu bảo tồn thiên nhiên trong rừng tràm Trà Sư thời gian qua mới chỉ có khách nào biết thì tự tìm đến. Nhưng dẫu vậy, đội ngũ cán bộ làm du lịch tay ngang ở Trà Sư vẫn lạc quan vào một ngày du lịch rừng tràm Trà Sư sẽ khởi sắc.
Và, du khách nếu muốn tự mình thưởng thức bản hợp xướng của 72 loài chim (với hai loài có tên trong sách đỏ là cò Ấn Độ và điêng điểng) hay trải nghiệm cảm giác đi câu trong rừng tràm thì thực khó lòng bỏ qua rừng tràm Trà Sư./.

Nguồn: TTXVN

Leave A Reply

9 + 14 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.