“Đỡ đẻ” cho rùa biển tại Côn Đảo

0
Rùa mẹ đẻ trứng vào các hố cát. Ảnh: Phan Trang
Rùa mẹ đẻ trứng vào các hố cát. Ảnh: Phan Trang

Hiện nay, cả 5 loài rùa biển của Việt Nam (vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa) đều suy giảm đáng kể bởi các hoạt động của con người, từ đánh bắt ngẫu nhiên khi rùa biển vô tình lọt vào lưới, cho đến đánh bắt có chủ ý mang tính chất hủy diệt.
Bên cạnh đó, việc người dân xả rác thải ra biển và các hoạt động phát triển như xây dựng kè chống xói mòn, các công trình ven biển, khai thác cát… cũng làm mất các bãi đẻ trứng của rùa biển.

‘Đỡ đẻ’ cho rùa biển

Đến với Đội kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) vào lúc nửa đêm, chúng tôi bắt đầu tham gia “đỡ đẻ” cho rùa biển tại bãi Dương trong bóng tối và sự yên tĩnh để rùa mẹ không sợ hãi.

Khoảng 3h, hai rùa mẹ bò lên và bắt đầu đào tổ trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi tổ có độ sâu khoảng 60 cm, rùa bắt đầu đẻ trứng. Một rùa mẹ có thể đẻ khoảng 70-120 trứng/đêm và đẻ từ 3-5 lần trong một mùa sinh sản.

Trong hai con rùa mẹ lên đẻ trứng, một con đào đến hai hố, nhưng vẫn chưa đẻ trứng và tiếp tục đào hố thứ ba. Tìm hiểu mới biết, hai hố rùa mẹ vừa đào trúng rễ cây nên nó “không yên tâm” đẻ trứng mà tiếp tục đào hố khác phù hợp hơn.

Anh Nguyễn Quang Kỷ, cán bộ kiểm lâm kể: “Rùa có khả năng ‘nhịn đẻ’ khoảng 1-3 ngày nếu nó không đào được tổ thích hợp. Đây là bản năng bảo vệ con của rùa mẹ, bảo đảm cho tổ trứng đủ độ sâu mà vẫn đủ không khí để trứng có thể phát triển tốt”.

Rùa mẹ đẻ xong sẽ lấp cát kín hố, sau đó tạo ra khoảng 2-3 hố đẻ giả để đánh lừa các loài thiên địch. Xong xuôi, rùa mẹ bơi ra biển và tiếp tục chu kỳ tạo trứng.

Cán bộ kiểm lâm đào lấy trứng rùa từ hố đẻ tự nhiên mang về khu bảo tồn. Ảnh: Phan Trang
Cán bộ kiểm lâm đào lấy trứng rùa từ hố đẻ tự nhiên mang về khu bảo tồn. Ảnh: Phan Trang

Việc rùa biển chọn thời gian sinh sản vào ban đêm, cộng thêm những hố đẻ giả đã gây nhiều khó khăn cho các cán bộ kiểm lâm trong việc tìm kiếm và chuyển trứng về các hồ ấp. Các hồ này là những hố cát đã được đào sẵn ở trung tâm bảo tồn rùa. Trứng từ những tổ tự nhiên sẽ được di dời vào đây để bảo đảm độ an toàn cũng như tăng tỉ lệ nở. Sau khoảng 45-50 ngày, trứng sẽ nở thành rùa con. Tỉ lệ trứng nở thành công tại các trại ấp này đạt 87%.

“Nếu để trứng trong tự nhiên rất có thể sẽ bị kỳ nhông, kỳ đà ăn mất, bởi trứng rùa là món ‘khoái khẩu’ của loài này. Hơn nữa, vào mùa sinh sản, nhiều đêm có hàng chục rùa mẹ lên tìm chỗ sinh, rùa mẹ này đào vào hố của rùa mẹ kia sẽ làm vỡ tổ trứng”, anh Kỷ cho biết.

Khoảng 6h, anh Kỷ dẫn chúng tôi vào trại ấp trứng và mang những chú rùa con đã nở thả về biển. Rùa con sẽ được thả cách mặt biển khoảng 10 m để có thể “nhớ” được nơi mình sinh ra, định vị được đường đi, âm thanh, ánh sáng, để 30 năm sau, chúng lại quay lại chính bãi cát này sinh sản.

Tuy nhiên, tỉ lệ rùa con sống sót khi trở về với biển chỉ là 1/1.000, vì thế, nhìn những chú rùa vừa nở vẫy vùng giữa sóng biển mới thấy quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng gian truân làm sao, mới thấy được công tác bảo tồn rùa, bảo vệ sức khỏe cho môi trường biển quan trọng đến mức nào.

Bảo vệ rùa là bảo vệ biển

Hiện nay, tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục nghìn mét vuông. Hằng năm có trên 400 rùa mẹ lên làm tổ và trên 120.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển.

Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành công tác bảo vệ sinh cảnh làm tổ cho rùa biển, di dời ổ trứng về trạm ấp an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển; đồng thời, nghiên cứu đặc tính sinh học thông qua việc đo đạc, bấm thẻ cho rùa.

Các sản phẩm từ rùa nói chung và đặc biệt là trứng rùa là những mặt hàng cấm lưu hành nhưng vẫn thu hút rất đông “quy tặc” do lợi ích kinh tế cao. Do đó, công tác bảo tồn tại đây không hề đơn giản.

Trên thực tế, trứng rùa không hề bổ dưỡng như mọi người vẫn lầm tưởng, bởi thành phần cholesterol cao hơn gấp 20 lần so với trứng gà vịt, là nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc ăn trứng và thịt rùa để bồi bổ là bịa đặt và không có căn cứ khoa học.

 

Rùa con mới nở được thả về biển. Ảnh: Phan Trang
Rùa con mới nở được thả về biển. Ảnh: Phan Trang

Chị Lê Thị Vân, hướng dẫn viên của Côn Đảo Tourist, là người sinh ra, lớn lên tại Côn Đảo cho biết, trước đây,  người dân bắt rùa làm thực phẩm rất phổ biến. Thậm chí, trong các đám cưới, thịt rùa được mang ra đãi khách cùng với thịt lợn và thịt chó.

Bên cạnh “quy tặc”, những nguy cơ đe dọa đời sống rùa biển do con người gây ra cũng không ít như mất bãi đẻ do hoạt động khai thác tài nguyên, bị đánh bắt hoặc vô tình dính lưới, do ô nhiễm từ rác thải, túi nylon…

“Việc buôn bán thịt rùa, trứng rùa mặc dù đã bị cấm, nhưng do mới chỉ phạt hành chính nên vẫn còn nhiều người săn bắt, buôn bán và sử dụng thịt rùa. Tôi mong rằng, tới đây, hành vi này sẽ bị quy trách nhiệm hình sự, có như thế mới tránh được việc săn bắt trái phép loại động vật cần được bảo tồn này”, chị Vân chia sẻ.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo phát động chương trình tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 hằng năm, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào công tác nghiên cứu và bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ tiêu biểu; đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ cán bộ kiểm lâm tại các khu bảo tồn rùa biển và tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn rùa biển.

Nguồn: chinhphu.vn

Leave A Reply

four × one =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.