Vừa qua, ông Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Thành lập khu bảo tồn loài – sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước”. Dự án do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, TS Dương Văn Ni làm chủ nhiệm.
Sau hơn 12 tháng triển khai thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia về xã hội học, giáo dục, du lịch, môi trường, nhóm thực vật, nhóm động vật không xương sống, nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư – bò sát, nhóm cá, công nghệ thông tin. Nhóm thực hiện dự án đã hoàn thành 24 sản phẩm theo mục tiêu đã đề ra. Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện dự án đạt yêu cầu.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến như một vùng đất có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) có tính đặc thù cao, đặc trưng với sinh cảnh rừng tràm ngập nước theo mùa và nhiều loài động thực vật quý hiếm có giá trị cần được bảo tồn; việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ dẫn đến sự suy giảm về ĐDSH của vùng đất này nói chung trong đó có tỉnh Sóc Trăng là điều khó có thể tránh khỏi.
Mỹ Phước là một xã thuộc huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, rừng tràm Mỹ Phước có 04 sinh cảnh là rừng tràm, rừng dừa nước, lung (nước ngọt) và rừng đặc dụng với nhiều loài động thực vật quý, hiếm. Đặc biệt, Mỹ Phước là nơi duy nhất ở ĐBSCL có sinh cảnh giao thoa giữa rừng tràm và rừng dừa nước. Cũng có thể chính vì điều đặc biệt này mà trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nơi đây được chọn làm Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Du lịch sinh thái trên thế giới đã mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ sự ĐDSH đồng thời tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương. Rừng tràm Mỹ Phước là địa điểm lý tưởng để khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục lịch sử; với cơ sở hạ tầng của di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là một hiện trường lý tưởng, sống động để tổ chức các hoạt động giáo dục cho cả môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội theo hướng dạy học tích hợp.
Thời gian thực hiện dự án trong 12 tháng. Dự án tập trung xây dựng 24 sản phẩm theo mục tiêu đã đề ra với các nội dung chính: Đánh giá hiện trạng kinh tế – xã hội và cơ cấu tổ chức ở rừng tràm Mỹ Phước, đánh giá hiện trạng về môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ thủy văn ở rừng tràm Mỹ Phước, đánh giá hiện trạng về ĐDSH ở rừng tràm Mỹ Phước (thành phần loài, mức độ bảo tồn, giá trị sử dụng tài nguyên sinh vật, nguy cơ đe dọa suy giảm ĐDSH, diễn thế hệ sinh thái), xây dựng kế hoạch khai thác giáo dục lịch sử – tự nhiên ở rừng tràm Mỹ Phước, xây dựng kế hoạch khai thác du lịch sinh thái ở rừng tràm Mỹ Phước, xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý và khai thác bền vững khu bảo tồn loài – sinh cảnh ở rừng tràm Mỹ Phước. Hoàn chỉnh hồ sơ Thành lập khu bảo tồn loài – sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước để tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy có 615 loài sinh vật được ghi nhận ở khu rừng tràm Mỹ Phước, so với kết quả nghiên cứu năm 2012, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận mới trên 300 loài ở rừng tràm Mỹ Phước.
Dự án này cung cấp cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để thành lập khu bảo tồn loài – sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng và bảo tồn các loài quý, hiếm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, giáo dục, bảo tồn sự ĐDSH và truyền thống lịch sử của dân tộc. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
Nguồn: thiennhien.net