Xem xét tác động của thủy điện Pắk Lay đến dòng chảy sông Mê Công

0

Ngày 15/1, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Pắk Lay của Lào lần thứ 2.

Hội thảo được tổ chức nhằm thông tin về công tác xây dựng Báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế về các tài liệu của Dự án thủy điện Pắk Lay; lấy ý kiến chuyên gia đối với Dự án thủy điện Pắk Lay nói riêng và các công trình thủy điện dòng chính Mê Công nói chung; góp ý với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về các hoạt động tham vấn trong các vấn đề có liên quan trong lưu vực sông Mê Công trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, trong thời gian gần đây, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công. Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn, rất quan tâm về các tác động bất lợi của hoạt động phát triển này đến môi trường, kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mối quan tâm của Việt Nam đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ, mà cả tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995 và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã phối hợp với các quốc gia thành viên tiến hành tham vấn cho các dự án sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính Mê Công. Cụ thể là 03 Dự án thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông, và Pắk Beng của Lào nhằm hỗ trợ cho các quốc gia trong sử dụng công bằng và hợp lý nguồn tài nguyên nước sông Mê Công, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia mình một cách bền vững.

Trên cơ sở thông báo của Chính phủ Lào gửi Ủy hội sông Mê Công quốc tế về Dự án thủy điện Pắk Lay, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất tiến hành tham vấn cho Dự án thủy điện này bắt đầu từ tháng 8/2018 và kéo dài ít nhất là 06 tháng, nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan xem xét đánh giá đề xuất của Lào, tập hợp ý kiến góp ý về tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động.

Đối với Việt Nam, là quốc gia thành viên tích cực và xây dựng nhất, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ TN&MT cũng đã lập Kế hoạch tham vấn quốc gia nhằm giúp Ban Thư ký hoàn thiện đánh giá kỹ thuật, góp ý cho Chính phủ Lào về đánh giá tác động và các giải pháp giảm thiểu và quan trọng nhất là giúp xây dựng ý kiến của Việt Nam cho quá trình tham vấn Dự án thủy điện Pắk Lay.

Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, sau vòng tham vấn đầu tiên của các quốc gia và vùng, tổ chức trong tháng 9 -10 /2018, hiện nay, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã cập nhật Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện dòng chính Pắk Lay, trên cơ sở đánh giá các tài liệu do Lào cung cấp, bao gồm các lĩnh vực: chế độ dòng chảy; phù sa bùn cát; chất lượng nước, sinh thái, thủy sản; giao thông thủy; an toàn đập; kinh tế – xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của công trình thủy điện Pắk Lay (Lào) đến dòng chảy chính của sông Mê Công; nghiên cứu về biến đổi khí hậu tác động từ thủy điện ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững các địa phương nơi đây… Đồng thời, cần yêu cầu xây dựng một hệ thống dự báo, cảnh báo tác động kết nối với hệ thống của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đảm bảo kịp thời thông tin, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.

Dự án thủy điện Pắk Lay là công trình thủy điện thứ 4 của Lào trên dòng chính sông Mê Công nằm ở tỉnh Xay-nha-bu-ly, vùng Bắc lào và cách ĐBSCL của Việt Nam 1.615km. Công suất lắp đặt 770MW, sản lượng điện 4.125GWh, dung tích hồ chứa 58 triệu m3, với 14 tổ máy. Lượng điện do Pắk Lay sản xuất dự kiến bán cho Thái Lan (85%), còn lại Lào sử dụng. Để xây dựng báo cáo đánh giá kỹ thuật, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công Quốc tế đã thực hiện đánh giá các tài liệu do Lào cung cấp, bao gồm các lĩnh lực chế độ dòng chảy, phù sa, bùn cát, giao thông, chất lượng nước, an toàn đập, kinh tế – xã hội.

Nguồn: thiennhien.net

Leave A Reply

two × five =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.