Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 1/7, trong giai đoạn 2016-2018, sản lượng khai thác rừng hằng năm tại 26 quốc gia châu Âu đã tăng gần 50% so với mức trung bình giai đoạn này.
Xu hướng trên bị cho là có thể đe dọa các mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) về chống biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung ở Italy đã phân tích dữ liệu vệ tinh thu thập từ năm 2000-2015, ghi lại sự thay đổi đáng kể trong hoạt động khai thác rừng để đáp ứng nhu cầu gỗ ngày càng gia tăng.
Kết quả cho thấy tổng sinh khối của rừng ở châu Âu đã giảm 70%, dẫn đến việc giảm lượng CO2 hấp thụ từ khí quyển và lưu trữ trong cây.
Hoạt động khai thác gỗ rừng tăng mạnh ở các quốc gia Bắc Âu gồm Thụy Điển và Phần Lan, cùng với Latvia và Estonia ở Đông Âu. Trong khi đó, Pháp và Bồ Đào Nha cũng chứng kiến xu hướng tương tự hoặc ít hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết sự gia tăng hoạt động khai thác rừng diễn ra đồng thời với gia tăng mức độ che phủ rừng trên toàn châu Âu. Mặc dù vậy, rừng trồng mới không hiệu quả trong hấp thụ CO2 bằng cây cối cũ.
Trước thực trạng này, các tác giả nghiên cứu kêu gọi EU cân nhắc đưa tình trạng khai thác rừng gia tăng trong việc thiết kế các mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu.
EU đã cam kết tới năm 2030 giảm ít nhất 40% lượng phát thải khí nhà kính nhằm ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu. Rừng chiếm khoảng 10% trữ lượng hấp thụ CO2./.