Báo cáo rừng đặc dụng và phòng hộ Việt Nam năm 2017-2018

0

Lâm nghiệp Việt Nam đang chuyển sang hướng phát triển đa ngành, đa chức năng với các mục tiêu chiến lược nhằm góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2018 đánh dấu một mốc chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược phát triển của ngành lâm nghiệp, điển hình là Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, v.v…

Đặc biệt, với việc ban hành Luật Lâm nghiệp (2017), lâm nghiệp đã chuyển biến mạnh mẽ từ một ngành mang tính quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, nuôi dưỡng, gây trồng rừng, phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất rừng, đóng góp rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. Trong năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước đạt mức 8,032 và 9,382 tỷ USD, xuất siêu 2018 trên 7 tỷ USD, trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất toàn ngành nông nghiệp, đưa Việt Nam vươn lên thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,65 % vào năm 2018, tiệm cận với mức 43% vào năm 1943. Bình quân hàng năm cả nước trồng được 235.000 ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất. Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tính đến cuối năm 2018, tổng thu từ DVMTR đạt 2.937,9 tỷ đồng; trên 5,98 triệu ha rừng được khoán bảo vệ và hơn 417.000 hộ dân, trong đó có đến 86,2% là hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi từ cơ chế chi trả DVMTR.

Nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rừng tiếp tục được chú trọng. Tính đến năm 2018, cả nước có 2,14 triệu ha rừng đặc dụng và 4,56 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó diện tích rừng tự nhiên, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất, chiếm 5,97 triệu ha. Tuy vậy, công
tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng vẫn đang gặp nhiều thách thức cả về kinh phí lẫn nhân lực và năng lực của lực lượng bảo vệ rừng. Trong khi giá trị từ rừng mà người dân đang sử dụng trực tiếp ước tính tương đương 3,9% tổng thu nhập quốc dân (GDP), kinh phí
chi trực tiếp cho bảo tồn đa dạng sinh học chiếm chưa đến 0,4% tổng ngân sách. Chính vì vậy, trong những năm tới đây, ngành Lâm nghiệp chú trọng xây dựng các cơ chế tài chính bền vững, đồng thời đầu tư thỏa đáng để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học rừng.

Báo cáo Rừng đặc dụng và Phòng hộ Việt Nam năm 2017 – 2018 tổng hợp và cung cấp các số liệu cập nhật nhất về hiện trạng rừng đặc dụng và phòng hộ trong các năm 2017 – 2018. Kể từ 2018, Báo cáo này sẽ được Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ thực hiện hàng năm nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, các tổ chức, cá nhân quan tâm những kết quả nổi bật nhất cũng như các hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ trong cả nước.

Link download: Bao cao rung dac dung_View small

Leave A Reply

1 + seventeen =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.