Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 895/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch chính là thời cơ, vận hội lớn đối với các địa phương có tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực lâm nghiệp. Nghệ An với diện tích rừng lớn nhất cả nước hiển nhiên nằm trong số này.
Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp thời kỳ 2021 – 2030 của Nghệ An là 1.148.476 ha, diện tích đất có rừng đạt 1.003.596 ha. Đến cuối giai đoạn toàn tỉnh sẽ có 6 khu rừng đặc dụng gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu dự trữ thiên nhiên Pù Huống, Khu dự trữ thiên nhiên Pù Hoạt, Khu Bảo vệ cảnh quan Nam Đàn, Khu Bảo vệ cảnh quan Yên Thành và Khu Bảo vệ cảnh quan Săng lẻ Tương Dương.
Nghệ An xác định phát triển giống cây trồng lâm nghiệp làm bàn đạp thông qua việc tập trung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó phân khu sản xuất giống công nghệ cao được xem là trái tim với mục tiêu sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo chất lượng hàng đầu nhằm phục vụ công tác trồng rừng nguyên liệu gỗ, rừng đặc dụng và phòng hộ trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận.
Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/03/2021 nằm trên địa giới hành chính của 2 huyện Nghi Lộc và Đô Lương. Đây là khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước, được kỳ vọng sẽ tiên phong mở lối trong công cuộc phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ có chất lượng cao theo chuỗi liên kết giá trị.
Phân khu này khi hoàn thiện sẽ giúp ngành lâm nghiệp địa phương cùng lúc cụ thể nhiều chỉ tiêu trọng tâm, vừa góp phần nâng cao giá trị vốn rừng lại cải thiện rõ rệt chất lượng rừng phòng hộ, đặc dụng và năng suất rừng trồng đạt 20 – 25m3/ha/năm vào năm 2025 và 25 – 30 m3/ha/năm vào năm 2030.
Để đi đến đích không thể chỉ hô hào suông, ngược lại phải xắn tay xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách làm lực đẩy. Từ thực tiễn đặt ra, Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ chế, chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi.
Khi thời cơ chín muồi sẽ tiếp tục lan tỏa rộng khắp chính sách giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân miền núi.
Hòa theo nhịp đập của xu thế nhất thiết phải tiếp cận, ứng dụng nền tảng khoa học và công nghệ, kết hợp đào tạo, tăng cường năng lực xứng tầm cho đội ngũ cán bộ, bộ phận chuyên ngành cũng như số đông người dân trực tiếp trồng rừng.
Bên cạnh đó, một mặt phải tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, giáo dục cho các thành phần liên quan, cho cộng đồng về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng thời phải tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế mới về lâm nghiệp, tài chính khí hậu và chủ động hợp tác chặt chẽ với các thể chế tài chính đa phương (WB, ADB, GEF, GCF), đối tác phát triển, tổ chức lâm nghiệp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các yếu tố cần có đã cùng nhau tề tựu, viễn cảnh “hóa rồng” của ngành lâm nghiệp Nghệ An trong giai đoạn tới không phải nhiệm vụ quá xa vời.