Dù hoạt động trong thầm lặng nhưng các nhà khoa học và tổ chức bảo tồn đã cùng góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học rực rỡ với hàng loạt sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả.
Sau hơn 6 tháng phát động, chương trình “Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020″ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động đang đi đến chặng cuối cùng. Dự kiến, lễ vinh danh các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 21/5/2021, nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học quốc tế (22/05).
Hàng nghìn loài được gọi tên
Theo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về kinh tế, xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học cũng không nằm ngoài ngoại lệ.
Mặc dù hoạt động trong thầm lặng nhưng những nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn đã cùng góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học rực rỡ với hàng loạt những nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả.
Đặc biệt, ngay sau khi phát động chương trình vinh danh trên vào thời điểm tháng 10/2020, chương trình đã nhận được nhiều hồ sơ từ các cá nhân, tổ chức làm việc trong lĩnh vực bảo tồn loài. Nhiều loài động vật, thực vật đã được nghiên cứu, phát hiện lần đầu cho khoa học và công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế.
Trong hàng nghìn loài động vật, thực vật được phát hiện và được quốc tế công nhận, có nhiều loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư… được xếp loại cực kỳ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo tồn; nhiều nghiên cứu đã tìm ra các loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam.
Một số loài mang tính phát hiện mới có thể kể như bọ cạp Euscorpiopsis cavernicola (tại khu vực huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và bọ cạp Vietbocap thienduongensis (vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình).
Ngoài ra, những loài cây quý như Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes,… cũng được nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài và tiến hóa nhằm phục vụ ứng dụng thực tiễn. Thông qua các nghiên cứu, nhiều loài thực vật có giá trị trong y học, sản xuất được định danh và có phương án bảo tồn hợp lý.
Nhiều mốc son nổi bật về bảo tồn
Song hành với nghiên cứu phát hiện loài, chương trình vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài.
Giải pháp đầu tiên được Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề cập tới là việc nhân nuôi bảo tồn thành công loài gà Lôi Lam mào trắng – một loài chim đặc hữu quý hiếm của Việt Nam. Ngoài ra, việc ghép đôi sinh sản chim Cao cát bụng trắng cũng đã thành công, phục vụ công tác giáo dục môi trường và bảo tồn trong tương lai.
Bên cạnh giải pháp nhân nuôi bảo tồn loài nguy cấp, các sáng kiến khác cũng tập trung vào cứu hộ loài động vật hoang dã. Trong đó, có các nhóm tình nguyện đã cứu hộ được cả 100 cá thể rùa biển, trong đó 94 cá thể còn sống đã được tái thả về biển; hay quy trình cứu hộ gấu, nuôi gấu trong môi trường bán hoang dã…
[Bảo vệ các loài động vật hoang dã vì ‘ngôi nhà chung” đa dạng sinh học]
Đặc biệt, chương trình đã nhận được câu chuyện từ một người từng là thợ săn nhưng nay lại dẫn dắt nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng tại Quảng Bình. Qua đó góp phần ngăn cản tác động của chương trình khai thác đá, bảo vệ được môi trường sống cho voọc. Nhờ đó, năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch một phần khu rừng thành rừng đặc dụng để cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và khai thác.
Ngoài ra, có đơn vị còn ghi dấu ấn với sáng kiến dùng bẫy ảnh để điều tra các loài hoang dã tại một số vùng trọng điểm hay ứng dụng các công nghệ trong việc theo dõi, tái thả động vật hoang dã, giữ gìn những món quà tạo hóa ban tặng cho Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình, giáo sư-tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng đây là sáng kiến về bảo tồn có ý nghĩa to lớn, giúp động viên, khuyến khích phát triển phong trào nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học.
Trong quá trình làm việc, hội đồng xét chọn nhận thấy các hồ sơ gửi về đều tuân thủ thể lệ, một số hồ sơ được chuẩn bị công phu, cho thấy sự tâm huyết đối với chương trình. Các hồ sơ đều được đánh giá trên cơ sở tiêu chí xét chọn tại thể lệ đã ban hành./.