Giữ rừng ngập mặn Cần Giờ như giữ “lá phổi xanh” của TP.HCM

0

Trải qua hơn 40 năm phục hồi, hơn 20 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn (RNM) của thế giới, RNM Cần Giờ luôn là “lá phổi xanh” của TP.HCM. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển RNM Cần Giờ đã và đang trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chính quyền và người dân thành phố mang tên Bác.

Hồi sinh ngoạn mục

Ông Lê Minh Dũng – Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết: Trước chiến tranh, RNM Cần Giờ (hay còn gọi là Rừng Sác) có diện tích khoảng 38.000 ha, có hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến tranh, rừng gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi hóa chất diệt cỏ và các chất hóa học khác của quân đội Mỹ. Những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn xanh tốt biến thành những vùng đất hoang hóa, khô cằn; nguồn tài nguyên động, thực vật rừng và thủy hải sản gần như bị hủy diệt; môi trường sinh thái ô nhiễm nặng nề; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương và các vùng lân cận.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM, trực tiếp là người dân Cần Giờ đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để trồng lại rừng và khôi phục lại hệ sinh thái RNM. Từ năm 1978 – 2019, tổng diện tích trồng rừng đạt 23.079ha; trong đó, cây trồng chính là loài Đước đôi (chiếm hơn 92%) và các loại cây khác như Dà, Đưng, Cóc trắng, Vet, Su, Gõ nước…Sau khi hệ sinh thái rừng trồng phát triển ổn định đã tạo điều kiện môi trường thuận lợi để rừng tự nhiên phục hồi trở lại.

dap-xe-tuyen-truyen-bao-ve-moi-truong-trong-khu-du-tru-sinh-quyen-rung-ngap-man-can-gio.jpgHoạt động đạp xe tuyên truyền bảo vệ môi trường trong Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ (năm 2019)

Hiện nay, tổng diện tích RNM Cần Giờ rộng khoảng 34.672,79ha. Đây là khu rừng có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Tại đây, có trên 150 loài thực vật; hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú.

Ngày nay, Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ có vai trò đặc biệt quan trọng trọng, trở thành “lá phổi xanh” có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường cho TP.HCM. Ngoài ra, RNM Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển; ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Chung sức bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ trước các tác động của đô thị hóa và BĐKH, qua đó thiết lập một “bức tường xanh” vững chắc để bảo vệ môi trường TP.HCM là nhiệm vụ được đặt ra cho các cơ quan chức năng TP.HCM.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc quản lý và phát triển hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ trong bối cảnh BĐKH, áp lực phát triển kinh tế đang trở thành bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển RNM Cần Giờ cần sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội.

Ông Lê Văn Sinh – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết, thời gian qua, Ban đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng, hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn ĐDSH gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan, đơn vị. Mô hình này đã tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân, giúp họ gắn bó và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.

“Ngày 21/1/2000, Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận RNM Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, mở đầu cho việc đề cử và công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới sau này.”

Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Chí Thành – Phó Chủ tịch Hội Đất ngập nước Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước: Đến nay, RNM Cần Giờ đã đạt 30 tuổi, mật độ cây rất cao nhưng chưa một lần tỉa thưa khiến cây không còn không gian dinh dưỡng, sâu bệnh phát triển, đặc biệt sâu đục thân. Vì vậy, TP.HCM cần có kế hoạch đánh giá lại hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, từ đó tiến hành các biện pháp kỹ thuật như cắt tỉa cây, tạo không gian, chất dinh dưỡng các loài phát triển.

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, TP.HCM sẽ trồng mới 280ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 200ha. Trong đó, sẽ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ. Đồng thời, xây dựng khu bảo tồn trong phạm vi vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ nhằm đáp ứng các tiêu chí bảo tồn của vùng lõi, phù hợp với chức năng bảo tồn của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường

Leave A Reply

2 × 2 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.