Lào Cai: Vườn quốc gia Hoàng Liên tìm giải pháp bảo vệ các loài lưỡng cư

0

Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) đang là nơi sinh sống nhiều loài lưỡng cư quý hiếm trong sách đỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây các loài lưỡng cư có dấu hiệu giảm dần do biến đổi khí hậu. Ngày 30/8, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với Hiệp hội Động vật học London và Bảo tàng Quốc gia Úc tổ chức Hội thảo bảo tồn lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2021 – 2022 và kế hoạch hành động đến năm 2027.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên được đánh giá có hệ lưỡng cư đa dạng bậc nhất Việt Nam, số loài lưỡng cư tại đây chiếm khoảng 50% tổng số loài lưỡng cư tại Việt Nam. Theo báo cáo kết quả bảo tồn lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 – 2022, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 12 đợt nghiên cứu thực địa (các chuyên gia quốc tế tham dự 3 đợt) tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các vùng lân cận.

Kết quả, đã ghi nhận 49 loài tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát; đã cập nhật một danh lục gồm 88 loài cho khu hệ lưỡng cư ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên; mô tả 5 loài mới cho khoa học; ghi nhận 5 loài mới cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên và nhiều loài được ghi nhận ở những vùng phân bố/độ cao mới từ kết quả thực địa chưa được công bố chính thức trong các báo cáo khoa học…

anh-3.jpg
Vườn Quốc gia Hoàng Liên phối hợp với Hiệp hội Động vật học London và Bảo tàng Quốc gia Úc tìm giải pháp bảo vệ các loài lưỡng cư quý hiếm đang dần bị mai một do biến đổi khí hậu và tác động của con người.

Tuy nhiên, nhiều loài lưỡng cư tại đây đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có 2 loài là cóc răng Sterling và cóc mày Botsford – 2 loài lưỡng cư đặc hữu chỉ ghi nhận tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. 2 loài này vốn có quần thể thấp và phạm vi phân bố nhỏ, đang được ưu tiên bảo tồn dựa trên sự khác biệt tiến hóa và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng toàn cầu.

Theo đánh giá kết quả bảo tồn của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm 2 loài cóc này là do biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người. Do đó, việc khảo sát, nghiên cứu sâu hơn 2 loài này để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sống và tình trạng bệnh dịch đối với chúng và với lưỡng cư nói chung tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên là cần thiết, từ đó xây dựng các giải pháp bảo tồn đối với các loài nguy cấp.

anh-2(1).jpg
  Cóc răng Sterling và cóc mày Botsford  là 2 loài lưỡng cư đặc hữu chỉ ghi nhận tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Tại hội thảo, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đề xuất chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn các loài lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và khu vực lân cận giai đoạn 2023 – 2027 với các nội dung: Thực hiện các biện pháp nâng cao mức độ bảo vệ các loài lưỡng cư; tổng hợp, bổ sung thông tin các loài đã tìm thấy ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các khu vực lân cận; xây dựng phương pháp nghiên cứu dài hạn và tìm hiểu về sự đa dạng lưỡng cư; tăng cường mối liên hệ giữa Vườn Quốc gia Hoàng Liên với các khu vực bảo vệ khác trên dãy Hoàng Liên; gắn kết các dự án lưỡng cư với các dự án về bò sát; tập trung vào mối liên hệ tích cực giữa khách du lịch và đa dạng sinh học…

anh-1(1).jpg
88 loài cho khu hệ lưỡng cư đã được ghi nhận có ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các nội dung, phương pháp, các bước thực hiện kế hoạch; giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phát triển các loài lưỡng cư, trong đó tập trung vào các giải pháp giảm thiểu xáo trộn về môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu đến các loài lưỡng cư, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn, phát triển lưỡng cư…

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Leave A Reply

4 + 18 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.