Quần thể voi hoang dã 14 – 16 cá thể tại Nghệ An phân bổ thành 5 đàn, đã hàng chục lần chúng về các khu dân cư làm hỏng hoa màu, đồ đạc.Nghệ An có từ 14 đến 16 voi voi hoang dã (đứng thứ ba cả nước sau Đăk Lăk và Đồng Nai). Trong đó vùng lõi và vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát (nằm trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương) có 3 đàn, 11-13 con; xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) có một con và huyện Quỳ Châu hai con.
Trong ảnh, hai mẹ con voi rừng đã tới xã Châu Phong (Quỳ Châu) hôm 24/10, dẫm gãy keo, ở lại qua đêm. Chúng chỉ vào rừng sau khi liên tục bị người dân xua đuổi.
Hai mẹ con voi sống hàng chục năm nay tại rừng tự nhiên rộng khoảng 15.000 ha ở huyện Quỳ Châu. Riêng voi con đã hàng chục tuổi, to gần bằng voi mẹ. Những năm trước, voi vào vườn nhà dân ở xã Châu Hạnh, Châu Phong ăn hoa màu, làm hỏng chòi canh rẫy của người dân, không làm ai bị thương.
Trong ảnh, đàn voi rừng trong trong một lần về phá ruộng mía của người dân ở xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn).
Một dấu chân voi để lại trong lần về bản.
Cá thể voi đực xuất hiện tại huyện Anh Sơn, năm 2018.
Con voi xuất hiện một mình trong đêm 13/3/2017 tại khu vực bản Khe Nóng B, xã Châu Khê (huyện Con Cuông). Con voi khá hiền, một số người tiếp cận trêu đùa, chụp ảnh. Sau gần 4 giờ đồng hồ, voi bỏ vào rừng khi một người dùng điện thoại mở nhạc có tiếng voi rừng kêu.
Ruộng lúa tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp bị voi dậm hư hỏng, năm 2022.
Hào ngăn voi được xây dựng trên địa bàn xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) với chiều dài hơn 4 km. Đây là một trong những hạng mục trong đề án đề án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020.
Ngoài hào ngăn voi, cơ quan chức năng còn xây 3 trạm dừng chân trên các tuyến tuần tra bảo vệ rừng ở vùng voi sống…
Theo cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát, trong số 5 đàn voi, đàn ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) là tốt nhất với 8-9 con và có khả năng phát triển, vì có con đực, con cái. Đàn voi sinh sản được 2 con vào năm 2013 và 2016. Các đàn khác đều là cá thể đơn lẻ nên không thể tăng số lượng.
Để voi sinh sản, tránh nguy cơ suy giảm, việc sáp nhập đàn đã được chính quyền Nghệ An tính đến, tuy nhiên gặp khó vì khoảng cách địa lý giữa các đàn rất xa. Phải mất hai ngày đường, vượt qua nhiều sông suối thì voi từ Quỳ Châu, Quỳ Hợp mới tới được vườn Pù Mát. Hoặc voi cái sống đơn lẻ ở khu vực xã Chi Khê, Lục Dạ (Con Cuông) muốn nhập với đàn ở Phúc Sơn (Anh Sơn) lại đang bị ngăn cách bởi sông Giăng.