3 tổ chức đầu tiên nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo tồn loài

0

Quỹ Bảo tồn Loài vừa chính thức tài trợ cho 3 dự án bảo tồn các loài hoang dã ưu tiên tại Việt Nam, mỗi dự án nhận được tài trợ 50.000 đô la Mỹ, triển khai trong 1 năm tới.

Hoạt động của Quỹ nằm trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do WWF-Việt Nam và các đối tác Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Bảo tồn loài hoang dã ưu tiên

Theo ông Lê Khắc Quyết, cố vấn kỹ thuật của Quỹ Bảo tồn Loài, 3 dự án được lựa chọn từ 24 hồ sơ đề xuất dự án trên địa bàn 19 địa phương trên cả nước. Đây là các dự án phù hợp nhất với tiêu chí của Quỹ bảo tồn Loài, bao gồm: Cung cấp thông tin mới về loài ưu tiên dẫn đến cải thiện việc quản lý loài đó, giảm rõ rệt các mối đe dọa đối với loài ưu tiên và dẫn đến sự gia tăng rõ ràng về quần thể hoang dã. Các dự án này cũng đưa ra các điều kiện cho phép loài ưu tiên được tái thả lại tự nhiên.

3 tổ chức nhận tài trợ để triển khai các dự án là: Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh.

anh-1(1).jpg
Đại diện Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp và WWF Việt Nam trao tài trợ cho đại diện 3 dự án bảo tồn động vật hoang dã

Cụ thể, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận được tài trợ từ Quỹ Bảo tồn loài với Dự án: “Hiện trạng và bảo tồn Cá chạch suối (Schistura spiloptera) cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã và Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Dự án dự định triển khai trong thời gian 1 năm và đặt mục tiêu góp phần cập nhật về hiện trạng quần thể, phân bố và đề xuất các biện pháp bảo tồn đối với Cá chạch suối – loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở VQG Bạch Mã và RPH Bắc Hải Vân.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) sẽ triển khai Dự án “Bảo tồn Vượn má trắng (Nomascus leucogenys) ở VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh”. Kết quả dự án sẽ đóng góp quan trọng cho cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của VQG Vũ Quang, hỗ trợ chương trình điều tra và giám sát hiệu quả, đồng thời thu hút sự quan tâm nhiều hơn của tất cả các bên liên quan đến công tác bảo tồn loài Vượn má trắng cực kỳ nguy cấp tại đây.

Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) nhận tài trợ để triển khai Dự án “Bảo tồn Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở VQG Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam. Trong 1 năm tới, dự án sẽ phối hợp với Ban Quản lý VQG Sông Thanh tiến hành tổng điều tra quần thể và phân bố của loài Chà vá chân xám ở VQG Sông Thanh, hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ loài, và xây dựng một kế hoạch 5 năm bảo tồn loài Chà vá chân xám, lồng ghép vào Kế hoạch Quản lý Rừng bền vững của Ban quản lý VQG Sông Thanh.

Bà Annie Wallace, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID chia sẻ, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học lớn nhất thế giới nên USAID sẽ có những ưu tiên trong các hoạt động hỗ trợ bảo tồn. Quỹ Bảo tồn Loài sẽ thúc đẩy các bên liên quan của địa phương đổi mới nhằm tăng hiệu quả quản lý trong công tác bảo tồn, đồng thời, hỗ trợ các nỗ lực của các tổ chức và viện nghiên cứu địa phương triển khai những hoạt động ưu tiên bảo tồn của Chính phủ Việt Nam. Vai trò của các tổ chức địa phương và cơ quan quản lý các cấp rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ đa dạng sinh học.

anh-3.png

Hiện nay, Quỹ bảo tồn Loài đang kêu gọi các dự án cho đợt tài trợ thứ 2 và sau đó là đợt 3. Thời gian triển khai dự án từ 1 – 1,5 năm trong giai đoạn năm 2023 – 3/2025, ưu tiên các dự án thể hiện vai trò chủ đạo của các tổ chức địa phương, cho thấy có sự phối hợp với các tổ chức khác nhau.

Theo ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sự tham gia của các đơn vị địa phương nhận được tài trợ của Quỹ bảo tồn Loài sẽ góp phần phát huy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong vườn quốc gia tại các địa phương trên cả nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn những nguy cơ giảm, mất đa dạng sinh học. Đồng thời, thúc đẩy cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn, giảm áp lực cho rừng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu cho các kế hoạch dài hạn

Một hoạt động quan trọng của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học là công tác điều tra, đánh giá hiện trạng loài. Đại diện Trung tâm GreenViet, ông Hoàng Quốc Huy chia sẻ, công tác này sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác, phù hợp, làm cơ sở khoa học ban đầu phục vụ việc quy hoạch, xây dựng chiến lược hay kế hoạch quản lý bảo vệ, bảo tồn loài một cách đúng đắn trong dài hạn.

Chẳng hạn với loài Chà vá chân xám, hiện nay, VQG Sông Thanh chỉ có thông tin sơ bộ từ đội ngũ cán bộ làm công tác tuần tra bảo vệ rừng, chưa có những nghiên cứu cụ thể nên chưa có căn cứ xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn.

anh-2.jpg
Ông Bùi Thanh Tùng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) chai sẻ về dự án Bảo tồn Vượn má trắng ở VQG Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh)

Cùng chung quan điểm, đại diện Trung tâm PanNature chia sẻ, lần cuối cùng loài cá chạch suối được thực hiện khảo sát đã cách đây 12 năm cho quần thể loài đang suy giảm nghiêm trọng. Dù là loài nhỏ nhưng cá chạch suối cũng có vị trí vai trò trong chuỗi thức ăn. Việc khôi phục và bảo tồn loài sẽ đóng góp cho nỗ lực bảo tồn các loài bản địa và đa dạng sinh học nói chung của Việt Nam.

Theo ông Nicholas Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, WWF-Việt Nam, so với các dự án lâm nghiệp, nguồn lực cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam còn tương đối ít. Vì vậy, nguồn tài trợ từ Quỹ Bảo tồn Loài (SCF) rất cần thiết trong việc hỗ trợ các tổ chức địa phương có khả năng thực hiện các nỗ lực bảo tồn một số loài ưu tiên của Việt Nam và cũng là các loài ưu tiên của thế giới.

“Tại Việt Nam, chúng tôi chú trọng việc duy trì, nâng cao chất lượng rừng, đồng thời duy trì ổn định các loài quần thể hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao, đặc biệt là 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ. Giải pháp quan trọng là liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh các cảnh quan trọng nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam”, ông Nicholas Cox nói.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

Leave A Reply

seventeen − sixteen =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.