Lai Châu rừng phủ xanh nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

0

Nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, rừng ở Lai Châu luôn được bảo vệ tốt. Cùng với đó, đời sống người dân tham gia bảo vệ rừng được nâng lên; đời sống, kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều đổi thay tích cực.

Nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, rừng ở Lai Châu luôn được bảo vệ tốt. Cùng với đó, đời sống người dân tham gia bảo vệ rừng được nâng lên; đời sống, kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều đổi thay tích cực.

Chia sẻ về hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mang lại, ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR, tỉnh Lai Châu, cho biết: Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững. Chính sách đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Đồng thời, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, qua đó tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.

Từ nguồn tiền DVMTR được hưởng hàng năm, là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Các chủ rừng, cung ứng DVMTR chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động như: Chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các công trình công cộng của thôn, bản… góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng. Đồng thời, chính sách chi trả DVMTR đã làm giảm rất nhiều tình trạng phá rừng trái phép, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên diện tích rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng bảo vệ. Hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân trên diện tích rừng được giao ngày càng tốt hơn, tài nguyên rừng đã được bảo vệ, phát triển tốt.

13_9_16.jpg
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, rừng ở Lai Châu luôn được bảo vệ tốt.

Với nguồn kinh phí chi trả DVMTR ngày càng tăng, sẽ góp phần bổ sung thêm thu nhập cho người làm nghề rừng. Đồng thời, khuyến khích người dân nhận khoán tham gia bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR.

Tam Đường là huyện được tỉnh Lai Châu đánh giá nhiều năm làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Hạt Kiểm lâm huyện, phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp để người dân hiểu rõ lợi ích, ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay, huyện có tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,4%.

460573db675aaa43b6dd233ada012752img_2036-1-.jpg
Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu.

Xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có 3.366,86ha đất có rừng, độ che phủ đạt 43,65%. Toàn xã có 13 tổ chuyên trách bảo vệ, PCCCR, thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong năm qua, xã được chi trả trên 4 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. Mỗi hộ được chi trả từ 8 – 27 triệu đồng tiền DVMTR/năm. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân trong xã để lắp đặt điện sáng nông thôn, sửa chữa đường giao thông, mua giống cây trồng, vật nuôi và đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình.

Anh Giàng A Páo, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, cho biết: Gia đình tôi nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ 82ha rừng phòng hộ. Mỗi năm tôi được chi trả từ 20 – 27 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền nhận dược tôi đầu tư vào cây giống, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho gia đình…Gia đình tôi và các hộ dân trong bản đều nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản, tôi cùng các thành viên trong tổ thường xuyên đi tuần tra, nhất là vào mùa khô hanh. Những cánh rừng của bản được người dân chung tay bảo vệ nên ngày càng phát triển xanh tốt.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu. Màu xanh trên những cánh rừng ngày càng nhân rộng. Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng.

Leave A Reply

20 + six =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.