Vì sao Quảng Nam chưa bán được tín chỉ carbon rừng?

0
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 463.500ha rừng tự nhiên. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 463.500ha rừng tự nhiên. Ảnh: L.K.

Năm 2021, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho tỉnh Quảng Nam lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng; thời gian thí điểm 5 năm (2021 – 2025).

Với gần 681.000ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 463.500ha, độ che phủ rừng đạt 58,7%, ước tính mỗi năm tỉnh này có thể thu về khoảng 5 triệu USD (tương đương khoảng 130 tỷ đồng) từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Ngoài ra, đề án sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có. Đến năm 2025, độ che phủ rừng tăng lên 61%; giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

Năm 2023 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 41,2 triệu USD (khoảng 959 tỷ đồng) tiền thanh toán đợt 1 từ WB cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Trong khi đó, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng nhưng sau 3 năm vẫn chưa thể hoàn thành. Lý giải nguyên nhân, ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ do Bộ NN-PTNT thực hiện theo chương trình FCPF REDD+ trên thị trường bắt buộc; trong khi đó Quảng Nam đang thí điểm trên thị trường tự nguyện.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Ảnh: L.K.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Ảnh: L.K.

“Do là địa phương thí điểm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm và chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật và tài chính nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hồ sơ bán tín chỉ carbon rừng ra thị trường thì phải được thẩm định của các tổ chức quốc tế xem xét và chấp nhận. Hồ sơ mà tỉnh Quảng Nam xây dựng gửi đi từ năm 2018 – 2019. Qua thẩm định, đến năm 2020 thì theo các tổ chức thẩm định, tiêu chuẩn có sự thay đổi và hồ sơ phải điều chỉnh để phù hợp với bộ tiêu chuẩn mới”, ông Phú nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bán tín chỉ carbon rừng là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý để đảm bảo cho việc bán tín chỉ carbon này chưa có. Ngoài ra, nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon sử dụng vào việc gì?. Trực tiếp phục vụ lại cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng hay đưa vào ngân sách để chi cho các hoạt động này thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam, hiện nay, các Bộ, ngành Trung ương vẫn còn đang lúng túng trong việc xây dựng đề án mẫu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, mời các đơn vị tư vấn tham gia xây dựng, giúp cho tỉnh chào bán trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, việc xác định vùng ưu tiên lưu trữ carbon, quản lý rừng bền vững thì hiện nay tỉnh đang phụ thuộc vào Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện hơn cho tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng đề án, đăng ký tham gia bán tín chỉ carbon trên thị trường thế giới. Hiện có một doanh nghiệp đã làm việc với tỉnh về việc đăng ký trồng rừng gắn với bán tín chỉ carbon.

Chúng tôi đang giao Sở NN-PTNN và các địa phương làm việc với doanh nghiệp này để xác định địa điểm trồng rừng, quy mô trồng, cơ chế và phân chia lợi ích, quyền lợi… Đến nay vẫn đang trong quá trình trao đổi làm việc chứ chưa có phương án cuối cùng giữa tỉnh và doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sẽ trên nguyên tác đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên”, ông Thanh thông nói.

Leave A Reply

fifteen + 10 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.