Căng mình phòng chống cháy rừng

0

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 413.000 ha rừng tự nhiên và hơn 83.000 ha rừng trồng. Hiện Đắk Lắk đang bước vào cáo điểm mùa khô, đây là một trong những địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao. Trong đó, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rất cao là những địa bàn có diện tích lớn về rừng trồng, rừng khộp, rừng hỗn giao…

Đang ăn phải bỏ bữa đi dập lửa
Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn với diện tích 115.545 ha rừng đặc dụng nằm trên địa bàn 3 huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây là đơn vị có diện tích rừng lớn nhất Đắk Lắk.

Khi phóng viên đến Vườn quốc gia Yok Đôn đúng vào thời điểm một cây cổ thụ lớn trong vườn bốc cháy. Do cây cao, lực lượng tại chỗ không thể tiếp cận nên phải nhờ đến lực lượng PCCC huyện Buôn Đôn điều xe chữa cháy. Sau 2 giờ dập lửa, đám cháy được không chế, không để lây lan sang những khu vực khác.

Ông Phan Thanh Hòa, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, trong mùa khô lực lượng tại vườn luôn phải sẵn sàng đi dập lửa bất cứ lúc nào.

“Như trưa nay, anh em đang ăn cơm thì nhận được tin cây đa tại trạm bảo vệ rừng số 2 bị cháy. Mặc dù cây xanh tươi nhưng phần ruột bên trong đã hỏng. Do cây cao nên vườn phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng PCCC huyện Buôn Đôn. Rất may đám cháy được khống chế, không lan sang những khu vực bên cạnh”, ông Hòa nói.

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp với lực lượng PCCC huyện Buôn Đôn phun nước dập lửa cây đa bị cháy giữa trưa. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Hòa, do đặc điểm địa hình hạ thấp bao quanh là những vùng cao làm cho khí hậu của khu vực VQG Yok Đôn trở nên rất khô và nóng hơn so với các khu vực khác. Khí hậu khu vực mang đặc trưng gió mùa nhiệt đới cao nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình tháng từ 24 – 26 độ; biên độ nhiệt ngày đêm rất lớn, nhất là trong mùa khô tới 13 – 15 độ C.

Do biến đổi khí hậu nên thời tiết nhiều năm nay diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng khô hanh kéo dài. Trong vườn rừng khộp chiếm 92,33% tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải đều. Do đặc điểm rụng lá gần như hoàn toàn vào mùa khô, loại hình thảm thực bì chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi, le, lau lách…. rất nhanh khô trong những tháng mùa khô, đặc biệt là dưới tán rừng khộp nên diện tích phân bố của rừng khộp được xem là trọng điểm cháy rừng, có nguy cơ cháy cao nhất.

“Nguyên nhân chính để các vụ cháy rừng xảy ra tại vườn phần lớn là do con người dùng lửa dưới nhiều hình thức. Cụ thể, người dân khi đốt dọn nương rẫy. Việc dùng lửa bất cẩn trên các tuyến đường giao thông qua vườn. Ngoài ra một nguyên nhân nữa là do lâm tặc đốt lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, khai thác lâm sản trái phép…

Vườn có diện tích lớn cộng với việc nhiệt độ luôn cao nên có thể cháy bất cứ lúc nào. Để chủ động phòng chống cháy rừng, vườn luôn xây dựng các phương án và phân công cho từng đơn vị. Vườn cũng thường xuyên phối hợp với các cộng đồng người dân được giao khoán, bảo vệ rừng tuần tra xử lý các khu vực có nguy cơ cháy để phòng ngừa”, ông Hòa thông tin.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp với các cộng đồng được giao khoán bảo vệ rừng tuần tra để phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Ảnh: Quang Yên.
Còn lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo) quản lý có tổng diện tích hơn 14.422 ha, trong đó có gần 2.352 ha rừng và đất rừng phòng hộ, hơn 12.070 ha rừng và đất rừng sản xuất.

Đây là khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Do đó, công ty đã thường xuyên kiểm tra, giám sát ba tổ đội phòng chống cháy rừng về công tác PCCCR trên lâm phần quản lý; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trong những tháng mùa khô, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời phát hiện, dập tắt các đám cháy.

Ông An Ngọc Tân, Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả cho biết, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, từ đầu mùa khô, đơn vị đã tiến hành phát dọn đường băng cản lửa, tổ chức đốt non chủ động, không để thực bì phủ dày.

Công ty đề ra các tình huống cháy rừng trên địa bàn trọng điểm cụ thể để có phương án xử lý, ứng phó và triển khai chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Các nhiệm vụ được chỉ huy rõ đến từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể; đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị, chủ rừng liền kề.

Chủ động các phương án
Để chủ cộng trong công tác PCCCR ngay từ đầu mùa khô năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương và chủ rừng tự xây dựng các phương án để hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra; khi xảy ra cháy rừng, cần huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Các đơn vị, doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ động đốt thực bì để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Quang Yên.
UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và công tác phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, phải đặt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội; tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án cụ thể triển khai kế hoạch PCCCR.

Về phía chủ rừng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PCCCR trên lâm phần quản lý, triển khai lực lượng đủ mạnh tuần tra canh gác lửa rừng trong mùa cao điểm; bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình liên kết trồng rừng, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng nghiêm túc thực hiện các biện pháp PCCCR.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều tháng qua không có mưa và hiện nay thời tiết đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2024, nắng nóng và hanh khô diễn ra trên diện rộng, nhất là tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, M’Đrắk… nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Hiện nay, Sở NN-PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cán bộ các công ty lâm nghiệp chủ động phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Quang Yên.
“Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh bạn.

Đơn vị cũng xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn”, ông Hưng chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn Minh Quý

Leave A Reply

12 − nine =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.