“Chảy máu” rừng Tây Nguyên: “Ăn cám trả vàng” và cuộc chiến không cân sức

0

"Chảy máu" rừng Tây Nguyên: "Ăn cám trả vàng" và cuộc chiến không cân sức

Lâm tặc đi trước triệt hạ cây gỗ lớn, người dân đi sau “cạo trọc” những cánh rừng xanh để phù phép thành đất rẫy. Theo thời gian, cánh rừng cả trăm năm tuổi chỉ còn lại đồi trọc.

PV Dân trí đã thực hiện loạt bài điều tra ghi nhận nhiều diện tích rừng tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum bị “xẻ thịt”, những khoảnh rừng bị “cạo trọc” để phù phép thành nương rẫy. Hiện trạng cho thấy sự buông lỏng trong quản lý của các đơn vị chủ rừng, tạo ra khe hở cho lâm tặc xâm hại rừng xanh. Đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 1

Trong đầu năm 2022, nhóm phóng viên báo Dân trí đã phản ánh nhiều vụ phá rừng, hủy hoại rừng tại 2 tỉnh thuộc Bắc Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum. Điểm chung của các vụ phá rừng là lâm tặc rất tinh vi, thường lợi dụng đêm tối để ra tay triệt hạ số lượng lớn cây rừng. Sau khi các vụ phá rừng được báo Dân trí phản ánh, chính quyền mới vào cuộc ngăn chặn.

Theo đó, vào tháng 1/2022, phóng viên đã vào cánh rừng thuộc tiểu khu 477 thuộc xã Măng Cành (huyện Kon Plông, Kon Tum). Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, một số đối tượng ngang nhiên vào “cạo trọc” hàng nghìn mét vuông trên cánh rừng thuộc làng Kon Tu Rằng 1 và 2.

Tại hiện trường, có 3 khu vực bị lâm tặc cưa hạ. Các đối tượng triệt hạ toàn bộ cây rừng từ nhỏ đến lớn bằng cưa lốc máy, cây nằm ngổn ngang. Từ những cây gỗ lớn có đường kính 60cm đến cây nhỏ đều bị lâm tặc san phẳng. Để có những cánh rừng xanh tốt như thế này, phải mất đến gần trăm năm. Tuy nhiên chỉ trong vài ngày, lâm tặc đã hạ trắng.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 3

Ngay sau khi báo Dân trí thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kon Plông đã phối hợp Hạt kiểm lâm Kon Plông và Viện kiểm sát Kon Plông, các cơ quan và đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, khám nghiệm hiện trường vụ vi phạm. Kết quả xác định, khu vực trên là khu vực rừng tự nhiên. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 14.360 m2.

Nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ngày 7/2, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Kon Plông để tiến hành điều tra, xác minh theo thẩm quyền.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 5

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định được 2 nhóm với 11 đối tượng đã thực hiện hành vi phá rừng tại lô 8, khoảnh 12, tiểu khu 477, lâm phần rừng do UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum quản lý mà báo Dân trí đã phản ánh.

Nhóm thứ nhất gồm: A Bre (SN 1971), A Le (SN 1993), A An (SN 1996), Y Bút (SN 2001), Y Bê (SN 2003) và A Ka (SN 2001).

Nhóm thứ hai gồm: A Diện (SN 1959), A Chon (SN 1991), A Lân (SN 2000), Y Loan (SN 1994) và Y San (SN 1962) tất cả cùng trú tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Qua làm việc, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội phá rừng trái phép mục đích để làm rẫy.

Sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kon Plông đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 11 đối tượng trên về tội Hủy hoại rừng. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với A Bre, A Le, A An, và A Ka; A Diện, A Chon, A Lân và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Y Loan, Y San, Y Bút, Y Bê.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 7

Vào tháng 3/2022, phóng viên Dân trí đã theo lối mòn vào cánh rừng thuộc xã Ia Bă (huyện Ia Grai, Gia Lai). Tại đây, lâm tặc đã lợi dụng việc Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang tiến hành khai thác keo trên diện tích rừng trồng để khai thác hàng chục cây gỗ trái phép trên đất rừng tự nhiên. Không những thế, cách vị trí khai thác gỗ không xa là cảnh một khoảnh rừng tái sinh hàng chục năm nay bị “cạo trọc”, không còn một cây rừng nào sống sót.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến hiện trường đã thấy một nhóm người lạ mặt đang ngang nhiên cắt cây rừng, chất lên xe “độ chế”. Để ngụy trang, họ cắt những cây gỗ ngắn để vào trong lòng xe, rồi dùng các cây nhỏ, cành keo ngụy trang. Được biết, nhóm người lạ thường vào buổi sáng để cắt cây rừng và đến 15h sẽ ngang nhiên vận chuyển xuống theo đường mà các xe keo hay đi. Dù cánh rừng này gần xã và có nhiều người qua lại nhưng không thấy có lực lượng nào ngăn chặn, kiểm tra để xử lý.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 9

Ngay sau khi nắm được sự việc, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó  Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cùng UBND huyện Ia Grai đã trực tiếp lên hiện trường kiểm tra, nắm vụ việc. Đoàn công tác xác nhận báo Dân trí đã phản ánh đúng sự thật. Đoàn kiểm tra cũng thấy bất ngờ và xót xa khi những cánh rừng đang xanh ngát, gieo nên hy vọng sống cho vùng đất cằn cỗi bị “cạo trọc” chỉ trong vài ngày.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, vụ hủy hoại rừng trái pháp luật thuộc lô 101, khoảnh 1 tiểu khu 275, loại rừng sản xuất, do UBND xã Ia Bă quản lý. Ngày 28/3, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Hủy hoại rừng và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Grai tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 11

Ngay gần đó, có 34 cây rừng bị khai thác trái pháp luật chỉ còn gốc chặt, cành ngọn và một lóng gỗ với khối lượng 0,260 m3. Vụ khai thác rừng trái pháp luật tại này thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai và UBND xã Ia Bă, huyện Ia Grai quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Bước đầu, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai đã tiến hành họp và xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Ngọc Cư và ông Tạ Văn Triển – kiểm lâm địa bàn xã Ia Bă với hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước tập thể cơ quan.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 13
Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 15

Trong giai đoạn 2016 – 2021, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã thanh tra tại 25 đơn vị chủ rừng trên địa bàn, trong đó có 21 Ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và một khu bảo tồn.

Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kết luận chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 9 vụ, trong đó có 2 vụ đã có quyết định khởi tố vụ án. Qua thanh tra, phát hiện tổng diện tích rừng bị mất là 9.684ha; với tổng số tiền sai phạm là hơn 27 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 12 tỷ đồng. Các chủ rừng sai phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 5 tỷ đồng, còn lại số tiền 7 tỷ đồng đang được đôn đốc thu hồi.

Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có những sai phạm, từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, hiện đã cảnh cáo 10 cá nhân, khiển trách 14 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 135 cá nhân. Điển hình sai phạm diễn ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, Bắc Biển Hồ, Ia Grai, Ya Hội, Đăk Đoa, Đức Cơ, Ia Puch, Ayun Pa, khu bảo tồn Kon Chư Răng…

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 17

Trước việc mất rừng diễn ra trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Những vụ phá rừng báo chí và cơ quan chức năng đã phát hiện cho thấy các đơn vị chủ rừng một phần nào thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để mất rừng. Quan điểm của Sở là luôn xử lý nghiêm đối với trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng phá rừng hoặc hủy hoại rừng trên địa bàn”.

Tuy nhiên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng nhận định: “Đây là một cuộc chiến không cân sức. Khi lực lượng bảo vệ rừng chỉ sử dụng các công cụ hỗ trợ thô sơ, đơn độc đi tuần tra ở những cánh rừng già. Lâm tặc thường manh động, liều lĩnh để chống trả lực lượng chức năng. Thậm chí còn đe dọa đến tính mạng”.

Hiện có 2 lực lượng chính thường trực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng là kiểm lâm và nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc ban quản lý hoặc công ty lâm nghiệp. Lực lượng bảo vệ rừng trong những năm vừa qua luôn gặp khó khăn, gian khổ trong công tác tuần tra, kiểm soát.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 19

Điều khó khăn nhất đối với lực lượng này là những chế độ chính sách chưa phù hợp với nhiệm vụ được giao. Song song, công việc đầy áp lực khi các nhân viên phải đi tuần tra ngày đêm trong rừng sâu mà tiền lương chỉ 3-6 triệu đồng/tháng.

“Đa phần, các nhân viên bảo vệ rừng đều là nguồn nhân lực trẻ và trình độ đại học, cao đẳng. Tuy nhiên họ phải sống trong rừng sâu, xa gia đình cả năm trời. Lương thì thấp, áp lực công việc thì lớn khiến cho các nhân viên nghỉ việc ngày một nhiều”, ông Hoan trăn trở.

Sở NN&PTNT Gia Lai hiện có 21 Ban quản lý rừng phòng hộ và 1 ban quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức. Trong đó, lực lượng chuyên trách khoảng 410 người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng lại biến động liên tục. Nhiều người bỏ việc vì chế độ chính sách không có, thu nhập thấp. Được biết, trong năm 2021 đã có 7 người xin nghỉ việc và năm 2022, Sở đang thống kê, rà soát.

Chảy máu rừng Tây Nguyên: Ăn cám trả vàng và cuộc chiến không cân sức - 21

Vừa qua, Cao nguyên Kon Hà Nừng ở tỉnh Gia Lai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việc công nhận này sẽ giúp lưu trữ các giá trị văn hóa lâu đời, có giá trị bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển. Công tác bảo vệ rừng tại vùng lõi sẽ được tăng cường. Đồng thời, chương trình xây dựng khu sinh quyển cũng quan tâm để những người dân ở vùng đệm phát triển kinh tế với hình thức giao khoán giữ rừng, tăng cường sinh kế cho người dân trong việc phát triển chính sách và kêu gọi các nguồn đầu tư để chuyển đổi việc làm.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí.

Leave A Reply

eighteen + ten =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.