Đàn cò nhạn hơn 1.000 con di cư về Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

0

Ông Châu Văn Văn, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho biết đã chỉ đạo Đội bảo vệ rừng tăng cường công tác bảo vệ, tạo điều kiện tốt nhất cho đàn cò nhạn quý hiếm (khoảng hơn 1.000 cá thể) đang di cư dừng chân và kiếm thức ăn tại khu vực trảng Tà Nốt, thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát.

Chú thích ảnh
Đàn cò nhạn quý hiếm hơn 1.000 con di cư về Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. 

Theo ông Châu Văn Văn, đối với những du khách hiếu kỳ, muốn tận mắt xem đàn Cò nhạn nói trên, Đội bảo vệ rừng sẽ hướng dẫn để họ đỗ xe từ xa, di chuyển theo từng nhóm nhỏ, không gây tiếng ồn, tránh tiếp cận quá gần làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của đàn Cò nhạn.

Cò nhạn (hay còn gọi Cò ốc) có tên khoa học là Anastomus Oscitans là loài chim thuộc họ Hạc, có tên trong Sách đỏ Việt Nam, ở mức nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Thạc sĩ Hồ Đắc Long, Phó trưởng Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát cho biết, đã nhiều năm nay mới thấy xuất hiện đàn Cò nhạn số lượng hơn 1.000 con di cư về Vườn. Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng cho thấy những trảng cỏ, đất ngập nước và tài nguyên sinh vật ở Vườn Quốc gia được bảo vệ tốt và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư ngụ và kiếm ăn của các loài chim di cư.

Cũng theo Thạc sĩ Hồ Đắc Long, địa điểm dừng chân quen thuộc và yêu thích của Cò nhạn từ xưa đến nay chủ yếu tập trung về khu vực trảng Tà Nốt (Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát). Trảng Tà Nốt có diện tích gần 100 ha, nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Tiểu khu 17, có nhiều nét tương đồng với vùng đất ngập nước của Đồng Tháp Mười, nơi chứa đựng những giá trị lớn về đa dạng sinh học.

Chú thích ảnh
Đàn cò nhạn quý hiếm hơn 1.000 con di cư về Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. 

Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát Châu Văn Văn cho biết thêm, đàn Cò nhạn bắt đầu xuất hiện từ những ngày cuối tháng 5/2022 đến nay. Thông thường, đàn Cò nhạn trú ngụ lại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát trong khoảng thời gian không quá 1 tháng.

Cò nhạn có đặc điểm sống định cư nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn bị thu hẹp nên chúng phải di cư tới vùng đất khác để tìm kiếm thức ăn. Cò nhạn trưởng thành có sải cánh dài từ 0,6 – 1 mét, trọng lượng trung bình từ 1 – 1,5 kg/con. Chúng sinh sống chủ yếu ở các vùng đất ngập nước ngọt như ao, hồ, kênh, mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa…; thức ăn là các loại ốc, động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.

Nguồn: Theo TTXVN

Leave A Reply

one × two =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.