Để bảo tồn có thể trở thành một nghề nghiệp phổ biến tại Việt Nam, trong 4 năm qua, một khóa học về phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép đều đặn được tổ chức, giúp các bạn trẻ đam mê với thiên nhiên hoang dã có cái nhìn toàn diện hơn về công việc này.
Điểm khởi đầu cho các nhà bảo tồn trẻ
Tại Việt Nam, khi nói về các nhà bảo tồn thiên nhiên, có lẽ không mấy ai xem đây là một nghề chính thức mà thường mường tượng đó là những người quá đam mê với thiên nhiên, tình nguyện đi tới những nơi hoang dã để làm công tác nghiên cứu, thậm chí làm việc không có lương. Hầu như chưa có hệ đào tạo chính quy nào đào tạo một cách bài bản và bao quát về công việc bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), bởi vậy, tình trạng thiếu nhân lực chuyên sâu hiện hữu ở gần như tất cả các mảng liên quan.
Điều này tương phản với thực tiễn Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Hàng chục năm qua, rất nhiều tổ chức, quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên khi triển khai các chương trình bảo tồn xuyên quốc gia.
Đây cũng là trăn trở của Trang Nguyễn – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam (WildAct). Với quyết tâm sẽ trở thành nhà bảo tồn, cách đây 15 năm, Trang theo học lớp chuyên Sinh của Trường THPT Amstedam (Hà Nội) với mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về hệ sinh thái, các vấn đề liên quan đến tự nhiên, các loài sinh vật. Nhưng trong quá trình học tập, Trang nhận ra chương trình chưa đáp ứng được mong đợi của mình. Đến khi tìm hiểu về các trường đại học tại Việt Nam, cô gái trẻ cũng không thể tìm được thấy ngành học chính thức nào về bảo tồn ĐVHD phù hợp với yêu cầu.
Không bỏ cuộc, Trang lựa chọn du học đến Vương quốc Anh – cái nôi của nhiều nhà bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng thế giới. Sau hơn 10 năm học tập và hoạt động bảo tồn tích cực tại nhiều quốc gia, chứng kiến hậu quả nghiêm trọng tại những điểm nóng về buôn bán ĐVHD, Trang quyết tâm “lấp đầy” khoảng trống về đào tạo trong ngành đặc thù này tại Việt Nam.
Ý tưởng tổ chức một chương trình học là bước đệm cho các nhà bảo tồn trẻ đã ra đời và liên tục được đổi mới trong hơn 4 năm qua. Để tổ chức các khóa học, WildAct đã phối hợp cùng các cơ sở đào tạo đại học, cụ thể là Trường Đại học Vinh (Nghệ An) năm 2020, Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2021, 2022), và Viện Khoa học và Công Nghệ Môi Trường của Đại học Bách Khoa Hà Nội (năm 2023).
“Để tiếp cận và đi xa hơn trong ngành bảo tồn, Trang và nhiều đồng nghiệp phải tham gia nhiều khóa đào tạo, tập huấn ở nước ngoài để nâng cao tay nghề và mở rộng mạng lưới chuyên môn. Điều này khiến Trang trăn trở, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện và khả năng ngoại ngữ để có thể học tập và trải nghiệm tại nước ngoài”
Trang Nguyễn – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc WildAct
Mỗi khóa học có khoảng 20 học viên đến từ nhiều địa phương trên cả nước, được lựa chọn từ hàng chục đơn đăng ký. Họ là những nhà bảo tồn trẻ đang công tác tại các tổ chức, khu bảo tồn, vườn quốc gia; sinh viên, học viên cao học ở nhiều chuyên ngành như sinh học, thực thi pháp luật, kinh tế, giáo dục, truyền thông… thậm chí cả những người ngoài ngành mong muốn tìm hiểu về bảo tồn ĐVHD. Tất cả cùng chung mong muốn trau dồi thêm kiến thức, chuyên môn và tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn tại Việt Nam.
Bài giảng là thực tế, giảng viên là chuyên gia
Thông thường, việc xây dựng khóa học hay các chương trình giảng dạy ở cấp độ thạc sĩ cần nhiều năm để đưa ra khung chương trình thử, thí điểm giảng dạy, chỉnh sửa và bổ sung để hoàn thiện. Với một khóa học gói gọn trong 2 tuần học lý thuyết và 1 tháng thực tập, WildAct rút gọn hơn, tham khảo ý kiến của nhiều bên cùng với các chuyên gia trong ngành về mức độ logic, tổng quan và dung lượng cho phù hợp.
Dù “tham vọng”, nhưng những người xây dựng khóa học cố gắng cung cấp một bức tranh toàn cảnh về ngành bảo tồn tại Việt Nam. Theo chị Nguyễn Thanh Nga, Điều phối Chương trình Trường học và Cộng đồng tại WildAct, khung giáo trình cho khóa học cố định gồm lý thuyết, kỹ năng, nghiên cứu khảo sát. Nhưng nội dung cụ thể từng năm có thể thay đổi. Ví dụ trong khoá học CWT năm 2023, các bạn sẽ học về phòng chống buôn bán ĐVHD trái phép, phúc lợi động vật hoang dã bị nuôi nhốt và kỹ năng nghiên cứu, khảo sát trong công tác phòng chống buôn bán ĐVHD trái phép.
Cùng với thông tin cập nhật về luật, chính sách và thực tiễn tình hình săn bắn và buôn bán trái phép trong các sản phẩm và loài ĐVHD hiện nay, các học viên sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học xã hội, khoa học và công nghệ trong bảo tồn.
Một trong những nội dung xuyên suốt là tiêu chuẩn đảm bảo phúc lợi cho ĐVHD nuôi nhốt tại các trung tâm cứu hộ, sở thú hay do cá nhân sở hữu. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng với các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. WildAct đã phối hợp với Save Vietnam’s Wildlife (SVW) và Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tổ chức cho học viên thực hành tại Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê. Các hoạt động trải nghiệm đa dạng từ cứu hộ đến chăm sóc các ĐVHD bị tịch thu từ các vụ săn bắt và buôn bán trái phép. Thông qua hoạt động này, học viên phần nào hiểu được: Bảo tồn không chỉ có phòng chống buôn bán, săn bắt ĐVHD hay nghiên cứu khảo sát, mà còn phải giúp động vật có môi trường sống tốt hơn sau cứu hộ, tăng khả năng tái thả về tự nhiên.
Trong 1 tháng thực tập, các học viên sẽ lựa chọn công việc muốn tiếp tục theo đuổi để làm việc như một nhân viên thực thụ tại các tổ chức, cơ sở bảo tồn thiên nhiên. Kết thúc khóa học, WildAct yêu cầu học viên phải có báo cáo về các hoạt động đã làm, cũng như chia sẻ về định hướng của bản thân trong ngành bảo tồn thời gian tới.
“Hiện tại, khóa học vẫn đang ở hình thức ngắn hạn. Mục tiêu của mình là trong vòng 10 năm phải lập được 1 mã ngành học chính thức về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” – Trang Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc WildAct.
Theo Trang Nguyễn, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để có đối tác cùng làm việc lâu dài, ví dụ như trường đại học nào mong muốn mở mã ngành mới về bảo tồn ĐDSH, tìm giảng viên cho các khóa học ở đâu… May mắn, khóa học đã nhận được sự hợp tác từ các nhà trường, các chuyên gia đang hoạt động về bảo tồn ĐVHD cả của Việt Nam và nước ngoài, từ các tổ chức phi lợi nhuận và cả cơ quan Nhà nước.
Năm nay, đội ngũ giảng viên trực tiếp đến từ Học viện Cảnh sát Nhân dân, Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội (INEST – HUST. Các chuyên gia không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về các hướng đi khác nhau, về những mảng công việc chuyên sâu hơn trong ngành bảo tồn. Từ mạng lưới này, học viên hoàn toàn có thể tìm hiểu và tự lựa chọn công việc, liên hệ với tổ chức bảo tồn phù hợp sau khóa học.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – đơn vị đồng hành cùng khóa học năm 2023 chia sẻ: “Khi có những trao đổi đầu tiên với Trang Nguyễn và đại diện WildAct, chúng tôi đã nghĩ tới việc hợp tác trong phát triển các môn học về bảo tồn ĐDSH. Định hướng đào tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội là sẽ chú trọng cho lĩnh vực khoa học sự sống, trong đó có ĐDSH và bảo tồn nguồn gen. Hiện nay, các học phần liên quan mật thiết như Sinh thái học môi trường và Bảo vệ ĐDSH đã và đang được giảng dạy trong Chương trình đào tạo Quản lý TN&MT của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường. Bởi vậy, chúng tôi rất quan tâm đến việc có thể lồng ghép sâu hơn các nội dung về bảo tồn”.
Từ góc độ đào tạo ở trình độ cao, PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, việc xây dựng một chuyên ngành học chính thức về lĩnh vực này là cần thiết. Ở các nước phát triển đã có các khóa học ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc chuyên sâu đặc thù dành riêng cho những đối tượng phù hợp về bảo tồn ĐDSH. Tại Việt Nam, lâu nay, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá bảo tồn ĐDSH là một ngành có tiềm năng, song lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý đến xã hội.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, giảng viên Hoàng Đức Long – Học viện Cảnh sát Nhân dân nhận định: Học viên rất tập trung và thảo luận sôi nổi về chủ đề học. Chỉ tiếc là thời gian không có nhiều để chia sẻ thêm nhiều thông tin trong công tác điều tra, phá vỡ các đường dây buôn bán ĐVHD tại Việt Nam. Mong rằng những khóa học sau, ban tổ chức có thể thiết kế chương trình dài hơn, chắc chắn sẽ còn nhiều nội dung hay và thực tế hơn nữa.
Thực tế hiện nay, các tổ chức, cơ sở bảo tồn rất khó khăn trong việc tìm người có kỹ năng tốt về phân tích số liệu, vẽ bản đồ, hỗ trợ quản lý những phần mềm, ứng dụng để quản lý thông tin bảo tồn, lên kế hoạch đi tuần tra tháo dỡ bẫy… Có vị trí tuyển đến 1 năm rưỡi cũng không có ai ứng tuyển như công việc đi nghiên cứu thực địa về một loài hay sinh cảnh. Chính vì thế, khóa học của WildAct nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều chuyên gia, tổ chức trong ngành bảo tồn.
Hoạt động này cũng nhằm giúp cộng đồng có cách nhìn khác về công việc bảo tồn. Ngoài những cán bộ làm nhiệm vụ khảo sát về loài, sinh cảnh, còn có những cán bộ truyền thông, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn… Các giảng viên thẳng thắn chia sẻ, đối với ngành bảo tồn, bạn làm ở vị trí nào sẽ tương ứng với các cơ hội thăng tiến và mức lương bạn có thể nhận được. Luôn có những đơn vị chào đón và sẵn sàng hướng dẫn bạn làm quen với công việc bảo tồn, miễn là bạn có đam mê và thể hiện nỗ lực để theo nghề.
Khóa học giúp tôi có thêm nhiều kiến thức và cách tiếp cận sâu hơn, quy trình đúng để chống buôn bán ĐVHD. Hiện tại, tôi đang làm công việc truyền thông về bảo tồn các loài hoang dã như hổ, voi, tê tê, tê giác và sắp tới là rùa. Hiểu rõ bản chất vấn đề giúp tôi có thể đề xuất chiến dịch truyền thông đi vào hiệu quả thực tiễn hơn.
Nguyễn Thế Hải, 25 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Không vì lợi nhuận Choice
Tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu về bảo tồn voọc mũi hếch. Khóa học đã đáp ứng mong đợi của tôi về bổ sung kiến thức thực tế thay vì chỉ có các nghiên cứu khoa học. Trong đó có quy trình đảm bảo an toàn khi tác nghiệp về bảo tồn; những công cụ hỗ trợ ngăn chặn sự tuyệt chủng loài và đem đến cách nhìn khác về nghề bảo tồn. Ngành nghề nào cũng có rủi ro khi tác nghiệp, dù vậy, trang bị kiến thức đầy đủ chính là cách giúp tôi hiện thực hóa đam mê của mình.
Lê Hoàng Phương Anh, 22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Qua 4 năm tổ chức, hơn 40% trong số học viên hiện đang công tác trực tiếp trong ngành bảo tồn tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, hay thậm chí là Hạt kiểm lâm địa phương. Trang Nguyễn chia sẻ:“Từ những bạn chưa biết nhiều về ngành thì nay đã là đồng nghiệp. Tôi rất tự hào, cảm động khi các bạn liên hệ lại và “khoe” về công việc đang làm. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nhu cầu được học, được tìm hiểu, được đào tạo chính quy về ngành bảo tồn ĐVHD ở các bạn trẻ là rất cao. Họ có tinh thần học hỏi, đam mê và mong muốn đóng góp cho ngành”.
Kết quả này phần nào đã hiện thực hóa mục tiêu ban đầu của WildAct, đó là hỗ trợ xây dựng nguồn lực cho ngành bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam một cách hiệu quả. Cách nhìn của cộng đồng về bảo tồn cũng đang thay đổi rõ nét hơn trong thời gian gần đây. Nhiều phụ huynh đã liên hệ tới WildAct để tham khảo định hướng học tập, công việc cho con em mình nếu muốn theo ngành bảo tồn.
Mục tiêu 10 năm đã sắp đi được nửa chặng đường, dù chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng nhưng Trang Nguyễn và các cộng sự tại WildAct vẫn đang nỗ lực, để đến cuối năm nay có thể triển khai một khóa dài hơi hơn. Rõ ràng, bảo tồn thiên nhiên là ngành nghề có tiềm năng, và mọi người có đam mê với bảo tồn đều có cơ hội học tập, làm việc tại Việt Nam chứ không phải ở đâu đó trên thế giới.
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.