Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), các trang trại gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) vì mục đích thương mại ở Việt Nam có những tác động tiêu cực, chứ không chỉ đơn thuần là nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã.
Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại ở khu vực Đông Nam Á – nơi
các loài rắn, rùa, cá sấu, khỉ cùng nhiều loài quý hiếm khác được gây nuôi sinh sản và sinh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt nhằm khai thác thịt và các sản phẩm khác – đã không làm giảm bớt tình trạng săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên.
Nạn săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD đang khiến rất nhiều loài phân bố tại khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, tại châu Á, các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại đang phát triển mạnh mẽ về số lượng. Vậy liệu các trang trại này sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn hay lại càng làm tăng sức ép lên các loài ĐVHD trong tự nhiên. Nhuwngc người khởi xướng mô hình trang trại gây nuôi cho rằng, chính các hoạt động gây nuôi thương mại này sẽ làm giảm bớt nạn săn bắt trong tự nhiên, bởi vì ĐVHD gây nuôi và sản phẩm của chúng là mặt hang thay thế hợp pháp và có chi phí đầu vào thấp. Họ còn cho rằng các trang trại gây nuooicungx góp phần đảm bảo an ninh lương thực và là công cụ hứu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo cho các vùng nông thôn.
Những người có ý kiến đối lập lại cho rằng, ĐVHD được gây nuôi không làm giảm sức ép lên ĐVHD trong tự nhiên. Ngược lại, nhiều trường hợp động vật bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được hợp pháp hóa trong các trang trại gây nuôi. Thêm vào đó, các trang trại gây nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ vật nuôi xổng chuồng và có thể truyền bệnh cho các cá thể loài trong tự nhiên. Và khi đó, chính các trang trại gây nuôi này lại làm chệch hướng các nguồn lực bảo tồn.
Trên thực tế, một nghiên cứu của Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã và Cục Kiểm lâm Việt Nam cho thấy các trang trại gây nuôi đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, cụ thể là làm suy giảm số lượng các loài ĐVHD và thậm chí các trang trại này còn tham gia vào hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD.
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, thay vì góp phần bảo vệ các loài ĐVHD, 42% trong tổng số 78 trang trại được khảo sát thường xuyên nhập nuôi các loài động vật có nguồn gốc hoang dã và 50% các trang trại cho biết nguồn con giống của trang trại là từ tự nhiên hoặc là con lai của các cá thể tự nhiên và cá thể gây nuôi.
Các nghiên cứu viên cũng phát hiện một số trang trại có liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD, trong đó một số chủ trang trại thừa nhận việc vận chuyển và xuất khẩu trái phép ĐVHD sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu còn phát hiện một số trang trại thu mua trái phép ĐVHD từ các thợ săn chuyên nghiệp; vận chuyển và nhập khẩu không giấy phép ĐVHD và các sản phẩm của chúng.
Tiến sĩ Elizabeth L. Bennett, Giám đốc Chương trình Giám sát nạn săn bắt và buôn bán ĐVHD của WCS cho biết “Thay vì hoạt động với mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại trên thực tế lại trở thành mối đe dọa đối với các loài ĐVHD trong tự nhiên. Các phân tích từ các báo cáo cho thấy tác động tiêu cực của các trang trại này lớn hơn rất nhiều so với những ích lợi mà chúng có thể đem lại”.
Thậm chí, các trang trại gây nuôi các loài sinh trưởng nhanh với tỉ lệ sinh sản cao cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn vì các trang trại này liên tục nhập khẩu các loài động vật có nguồn gốc từ tự nhiên. Thêm vào đó, 20% chủ trang trại được phỏng vấn cho biết về tình trạng xổng chuồng của các loài vật nguy hiểm (cá sấu, rắn hổ mang, trăn, vv…), các loài lai (ba ba) và các loài vật mà môi trường xung quanh trang trại không thuộc khu vực phân bố tự nhiên của chúng.
Về khía cạnh đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân địa phương, cuộc nghiên cứu kết luận rằng các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại không hề làm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn là các loài ĐVHD, hay đem lại sự đảm bảo về an ninh lương thực cho người dân địa phương ngoài việc cung cấp những sản ph ẩm xa xỉ cho khách hàng giàu có chốn thành thị.
Cuộc nghiên cứu đã tập trung vào trang trại phân bố tại 12 tỉnh thành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện với các chủ trang trại và đã ghi nhận 22 loài đang được gây nuôi, trong đó có sáu loài nằm trong danh sách các loài ĐVHD nguy cấp của thế giới và năm loài có tên trong Phụ lục I của Công ước CITES (Phụ lục các loài bị nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán quốc tế).
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả của bản báo cáo đã đề xuất việc nghiêm cấm các trang trại nuôi nhốt các loài được ưu tiên bảo vệ cấp quốc gia và các loài bị đe dọa trên thế giới có tên trong Danh sách các loài bị đe dọa của IUCN; áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các chủ trang trại có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ các loài ĐVHD; và các chủ trang trại phải chịu trách nhiệm báo cáo về nguồn gốc xuất xứ của các loài đang được nuôi tại trang trại của mình.
Nguồn: WCS