Sa Pa – vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ chứa đựng đầy những bí ẩn đối với những du khách đã và chưa từng một lần đặt chân tới miền đất này. Thành phố
trong sương giờ đây còn hấp dẫn và thu hút du khách bởi một loại hình du lịch độc đáo: Homestay.
Homestay – sinh hoạt cùng nhà với người bản xứ với mối thân thiết giống như gia đình trong những ngôi nhà làm bằng gỗ pơ mu quý hiếm mọc lên trong khung cảnh bình yên của thung lũng Mường Hoa thơ mộng hay giữa đại ngàn Hoàng Liên xanh thẳm.
Thôn Tả Van Giáy nằm lưng chừng thung lũng Mường Hoa, với 40 hộ dân tộc Giáy thì có tới hai phần ba làm dịch vụ homestay. Không cầu kỳ, trong những ngôi nhà truyền thống bằng gỗ, gia chủ chỉ cần mua thêm những tấm đệm, chăn màn và ga gối, sửa sang hoặc xây mới khu vệ sinh vậy là đã mời được du khách tới ăn nghỉ ngay trong nhà mình. Homestay của gia đình anh Hoàng Văn Thành là một trong những địa chỉ luôn nhộn nhịp bởi có nhiều du khách tìm tới. Trước ngôi nhà nhìn ra thung lũng Mường Hoa, gia chủ bày sẵn những chiếc ghế mây để khách ngồi uống cà phê và ngắm cảnh rừng núi. Vẫn còn nguyên những nét mộc mạc mà chân tình của người bản địa, những người dân thôn Tả Van Giáy luôn nở nụ cười trên môi sẵn lòng đón mời du khách dừng chân nghỉ ngơi trong căn nhà hay mái hiên nhà họ, kể cả du khách không có nhu cầu ăn nghỉ qua đêm.
Ða phần khách du lịch đều thông qua các công ty du lịch, hoặc khách sạn để được sống kiểu homestay ngay giữa núi rừng. Ðến bữa, họ nấu nướng và ăn cơm cùng gia đình. Thi thoảng cũng có vài nhóm khách lẻ có nhu cầu cũng được nhiệt tình đón tiếp. Gia đình chị Sằn Thị Mùi và anh Nông Văn Sằn ở Tả Van Giáy làm dịch vụ homestay cách đây ba năm. Mỗi năm sắm sửa một chút, đến nay, anh chị đã có thể đón hai chục du khách nghỉ qua đêm. Chị Mùi xởi lởi cho biết: trước đây gia đình tôi chỉ làm nương rẫy. Thấy bà con trong thôn làm thì bắt chước làm theo. Giờ chúng tôi cũng nuôi thêm gà và lợn phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Cuộc sống bà con Tả Van Giáy khá giả hơn nhờ dịch vụ này.
Vợ chồng chị Mùi đang làm gà bản để đón tiếp một toán du khách đến từ Ô-xtrây-li-a. Be-tha-ny Pho-ret, 18 tuổi, hiện đang học chuyên ngành y tại Ðại học Xít-ny cho biết đây là lần thứ hai cô đến Sa Pa và đều thích ở trong những ngôi nhà của dân bản địa bởi sự thân thiện mến khách và được sống gần gũi với môi trường thiên nhiên và điều thú vị là những món ăn của đồng bào rất ngon và hấp dẫn.
Từ khi dịch vụ homestay nở rộ, người dân Sa Pa không chỉ biết cách làm giàu từ chính mảnh đất của mình, mà du lịch còn làm họ thay đổi nhận thức, không còn tình trạng ăn xổi, ở thì, biết bữa nay mà không lo bữa mai. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để đủ mặc, phụ nữ Sa Pa giờ đã giành thời gian dệt, thuê thêm khăn quàng cổ, váy xòe, làm các đồ dùng lưu niệm; đàn ông thì chế tác cung, nỏ, khèn, mõ trâu làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch để có tiền tích lũy trong sinh hoạt và cho con cái có điều kiện học hành. Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây. Theo thống kê của huyện Sa Pa, các điểm du lịch bản làng được du khách tham quan nhiều như bản Hồ, Cát Cát, Tả Van, Tả Phìn… Riêng năm 2008, có gần 80.000 lượt khách đến các bản làng này, con số này ngày càng tăng cao mỗi năm. Homestay của hai vợ chồng trẻ Lương – Ngọc là một trong vài nếp nhà sàn khang trang tại thôn Tả Van Giáy. Trước đây, cả hai đều là giáo viên cấp hai của xã Tả Van, nhưng từ khi nở rộ mô hình dịch vụ mới mẻ này, hai vợ chồng đã thuê lại ngôi nhà sàn trị giá ba triệu đồng một tháng để làm dịch vụ này. Trung bình những ngày cuối tuần, homestay của gia đình Ngọc đón khoảng 20 khách. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của khách, tầng một vợ chồng Ngọc dành riêng làm dịch vụ mát-xa bấm huyệt hòng đem đến cho du khách những giờ phút thư giãn sảng khoái sau một ngày đi bộ khám phá cảnh quan thiên nhiên. Do vậy, homestay của đôi vợ chồng trẻ này luôn là lựa chọn đầu tiên của các tua du lịch.
Ngày càng có nhiều gia đình trẻ như Lương – Ngọc dám mạnh dạn đầu tư cho loại hình này. Ðối với gia đình người dân tộc thì ngôi nhà đang hoàn thiện của vợ chồng Nông Thị Hồng và Nông Văn Tình trị giá 400 triệu đồng là một bước đột phá đáng ghi nhận. Hồng cho biết: chồng em đi lái xe nên có sẵn vốn liếng, gia đình nội ngoại cũng cho vay thêm, còn lại đi vay ngân hàng chính sách. Nếu như loại hình này luôn giữ được vẻ mộc mạc, đơn sơ của nó, không biến tướng chỉ vài năm là thu lại vốn.
Theo số liệu thống kê của xã Tả Van cho thấy, mô hình homestay bình quân mỗi tháng đón trên 1.000 khách du lịch đến lưu trú qua đêm. Ngoài món đặc sản mà du khách được thưởng thức: Thắng cố, thịt sấy khang nai, lợn cắp nách, gà bản, cá suối, nấm hương, bánh ngô Páu pó cừ, bánh dầy Páu plậu… Ban đêm, nếu có khách có nhu cầu chủ nhà cũng tổ chức đốt lửa, thực hiện các màn múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn phục vụ. Giá một đêm hiện nay là 40.000 đồng mỗi du khách ở qua đêm, chủ nhà phải khai báo tạm trú cho công an xã và nộp lệ phí năm nghìn đồng cho chính quyền địa phương.
Nếu như ở Tả Van Giáy, bản Hồ có một sức hút riêng đối với du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thì ở Tả Phìn, những người Dao đỏ lại có một thứ hấp dẫn du khách đó là dịch vụ tắm lá thuốc. Các thế hệ người Dao từ đời này sang đời khác truyền nhau một bài thuốc tắm cổ truyền kì diệu từ các loại thảo mộc để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Người Dao có thói quen tắm thuốc bằng nước nóng quanh năm, bất kể là mùa đông hay mùa hè. Bài thuốc tắm thường chứa đựng nhiều loại thảo dược, ít thì hơn chục loại, còn nhiều lên tới 120 loại thảo dược, có loại được phơi hoặc sao khô, có loại phải để tươi nguyên. Thuốc được đưa vào đun liên tục trong vòng từ ba đến bốn tiếng khi nước tắm có mầu nâu đỏ tỏa mùi thơm ngào ngạt, sau đó lại pha với nước ấm tỷ lệ 2/98% thành nước tắm ở nhiệt độ từ 30 đến 37 độ C, tùy sức chịu nóng của từng người. Người khỏe tắm chừng 25 – 30 phút, người yếu chỉ nên tắm 15 – 20 phút. Khi ngâm mình đến lúc cảm thấy người lâng lâng thì ra khỏi bồn, chờ cho hết cảm giác đó thấy người sảng khoái, khỏe khoắn lạ thường, mọi mệt mỏi tan biến hết. Hiện nay, tại bản Tả Phìn đã có ba cơ sở tắm lá thuốc do người dân tự mở và một cơ sở của doanh nghiệp. Tất cả
các cơ sở đều rất đắt khách trong mùa du lịch. Giá mỗi lần tắm thuốc chỉ 50.000/người nên hầu như du khách nào tới đây cũng muốn thử một lần cho biết. Do nhu cầu tắm thuốc của du khách ngày càng tăng nên nhiều hộ gia đình ở xã Tả Phìn không có điều kiện làm các dịch vụ du lịch thì vào rừng hái lá thuốc, nhờ đó cuộc sống được cải thiện. Bình quân mỗi tháng thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng.
Du lịch nói chung và dịch vụ du lịch cộng đồng nói riêng đang làm cho Sa Pa trở nên giàu có, các cô gái Mông, Dao, Giáy quen dần với kỹ năng sống hiện đại, những bộ váy áo bớt đi những họa tiết cầu kỳ và tinh tế; những chàng trai dân tộc ít biết thổi khèn và bắt đầu ngại mặc quần áo dân tộc mình mỗi khi tới chợ, phiên chợ tình Sa Pa giờ không còn như nguyên bản. Tiến, một hướng dẫn viên du lịch cho biết không ít những khách du lịch quốc tế đã đặt phòng tại Sa Pa nhưng sau khi xuống bản đã quyết định ở lại cùng bà con dân tộc. Vậy nên, trở về với hoang sơ với những con người bản địa giờ đây đang là lựa chọn của du khách trong nước và quốc tế. Hy vọng loại hình này sẽ không bị biến tướng để hình ảnh đẹp của Sa Pa ngày càng sâu đậm trong lòng mỗi du khách. Ðiều này không chỉ do tự cộng đồng gìn giữ được mà cần phải có sự chung tay góp sức của các cấp chính
quyền địa phương.
Nguồn: Báo Nhân dân