Các hệ thống tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ, nhiều ngành và nhiều cộng đồng có quyền tham gia khai thác, có thể ví như “nồi cơm Thạch Sanh” cho nhiều người ăn, những biết cùng nhau giữ gìn thì ăn mãi không hết.
Cộng đồng ngư dân là một lực lượng tham gia hầu hết các hoạt động liên quan tới biển và đảo, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Cộng đồng biển – đảo là lực lượng tạo ra của cải xã hội từ nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, tạo ra công ăn việc làm trong nghề cá, giúp xóa đói giảm nghèo cho đất nước. Họ cũng vừa là người trực tiếp nhận và sáng tạo khoa học – công nghệ, tăng cường kinh tế – xã hội biển, đảo, đồng thời là lực lượng quan trọng trong bảo vệ TN&MT biển, quản lý vùng trời, giữ gìn biển, đảo.
Trên thực tế, trong trường hợp mất cân đối giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi, thì nguồn lợi thủy sản và môi trường biển đảo sẽ không chỉ là đối tượng khai thác mà còn là nạn nhân của chính ngư dân. Do vậy, sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển chỉ có thể thành công khi có sự chuyển đổi và nhận thức và sự tham gia tự nguyện, tích cực của cộng đồng ngư dân mà không có lực lượng nào thay thế được họ. Bởi chính ngư dân hiểu hơn ai hết “miếng cơm manh áo” của họ cũng như khát vọng thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính đối tượng họ khai thác, sử dụng hàng ngày. Một nghịch lý đang tồn tại trong cộng đồng ngư dân là nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ nguồn
lợi ngày càng tăng thì khai thác lại càng nhiều và manh mún. Điều đó gợi mở cho các vấn đề về cơ chế chính sách trong việc thay đổi hành vi bảo vệ nguồn lợi biển đảo của ngư dân và vấn đề quy hoạch tổng thể không gian sinh tồn biển đảo. Thời gian qua, tình hình thực thi pháp luật trên biển và vùng ven bờ nước ta còn yếu. Chính sách quản lý môi trường biển chưa đồng bộ và hệ thống, phạm vi điều chỉnh của các chính sách đôi khi chưa rõ ràng, chưa sát
với thuộc tính của đối tượng quản lý. Vì vậy mâu thuẫn lợi ích trong việc sử dụng đa ngành, đa mục tiêu tài nguyên biển và vùng ven bờ không hề giảm.
Nghị định 25/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1/5/2009 với 5 Chương và 30 Điều quy định đã làm rõ các điều kiện bảo đảm cho quản lý tổng hợp cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Theo đó, để quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Căn cứ cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo là quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; quy hoạch chuyên ngành; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo… Để phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, đảo, Bộ TN&MT có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn UBND các tỉnh ven biển thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo, bên cạnh những nhiệm vụ khác như nghiên cứu điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm và xác định các vùng ô nhiễm nghiêm trọng… Biển là môi trường động, linh hoạt. Môi trường biển vì vậy
luôn chứa đựng yếu tố xuyên biên giới và ô nhiễm biển thuộc loại không định rõ nguồn. Vì vậy bảo vệ môi trường biển phải được xem là một yếu tố nằm ngay trong quá trình sản xuất. Cộng đồng phải được giao quyền và có quyền lợi để họ thực sự tự giác và chủ động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ môi trường biển của đất nước.
Nguồn:
Bộ TN&MT