Khu BTTN Mường Nhé chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng

0

Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy; chính quyền xã và các cơ quan, ban ngành, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

Hiên nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được UBND tỉnh giao quản lý 46.730,51ha đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn 05 xã biên giới: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Theo ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý KBTTN Mường Nhé đã tập trung, triển khai kịp thời các biện pháp tổ chức thực hiện và ban hành 62 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt theo phương án quản lý rừng bền vững…Đồng thời, chỉ đạo các Trạm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng các xã tham mưu giúp UBND xã ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý bảo vệ rừng; PCCCR, quản lý lâm sản trên địa bàn được giao quản lý.

a1.jpgCán bộ Hạt Kiểm lâm Mường Nhé và các trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé tuần tra rừng.

Trong năm 2022 đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân các bản vùng đệm về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường; công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư và quản lý cây gãy đổ sau mưa bão.

Cùng với đó, tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật lâm nghiệp, bảo vệ động vật hoang dã và chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2022 với sự tham gia của 200 người. Thực hiện biên soạn 1.250 áp phích tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã cho các thành viên nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng.

Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé chú trọng công tác tuần tra kiểm soát rừng và xử lý các trường hợp xâm phạm rừng trái phép. Đơn vị thực hiện phối hợp với các lực lượng, đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn, các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ lâm phần KBTTN Mường Nhé. Tổ chức được 899 lượt tuần tra, kiểm tra với sự tham gia của 8.224 lượt người. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng tổ công tác đã phát hiện: 05 hành vi vi phạm trong lĩnh lực lâm nghiệp trong KBTTN Mường Nhé tại địa bàn xã Nậm Kè, Leng Su Sìn và xã Mường Nhé; 05 người vào trong Khu bảo tồn trái phép; 42 cây gỗ bị gãy, đổ do mưa to, gió lớn. Ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chú trọng công tác phát triển, tăng độ che phủ của rừng.

a2.pngNhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, tổ chức hoạt động tuần tra bảo vệ rừng

Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay của KBTTN Mường Nhé là diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, lực lượng biên chế mỏng, nằm trong khu vực biên giới với 2 nước Lào – Trung Quốc. Tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương, khai thác lâm sản ở các xã vùng đệm, vùng giáp ranh vẫn còn xảy ra.

Trong KBT có 76,794 ha diện tích đất đang canh tác sản xuất nông nghiệp làm nương, ruộng của các hộ gia đình (diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé từ năm 2014 đến nay), vào mùa khô là mùa cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, lại là mùa làm nương của người dân trên địa bàn thường sử dụng lửa để đốt phát dọn nương, xử lý thực bì, đốt bãi chăn thả trâu bò dẫn đến nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc trình độ văn hóa không đồng đều, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức về bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, dân số tăng dẫn đến thiếu đất sản xuất, nhu cầu lấy gỗ làm nhà và chất đốt của các hộ gia đình rất lớn gây áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong KBTTN Mường Nhé. Ông Chính, cho biết thêm.

Leave A Reply

seven + 10 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.