‘Lật tung’ núi rừng tìm sao la

0

Suốt 5 năm, chuyên gia trong và ngoài nước gần như “lật tung” hơn 58.000 hecta rừng của hai huyện Hương Khê và Hương Sơn để tìm sao la.

Tháng 5/1992, giới chuyên môn công bố cặp sừng thon, dài của loài thú được phát hiện tại nhà dân ở xã Hương Quang, huyện Hương Khê, nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, chính là của sao la. Sau đó, nhiều đoàn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước liên tục ra vào rừng núi các huyện Hương Khê, Hương Sơn tìm kiếm, với hy vọng một lần nhìn thấy loài thú bí ẩn nhất thế giới, phục vụ nghiên cứu nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cán bộ của các đoàn Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… đã tìm đến nhiều gia đình trong xã xin chụp ảnh, đặt vấn đề thu mua tất cả cặp sừng đang treo trang trí trong nhà. “Đa số người dân đều vui vẻ giao nộp, cũng có một vài hộ được trả tiền song không đáng kể. Nhiều đàn ông trung niên thông thuộc địa bàn được thuê dẫn đường. Họ mang gùi, đi vào rừng sâu theo yêu cầu của chuyên gia trong nhiều ngày để chỉ điểm những nơi sao la từng đi qua”, ông Nguyễn Đình Tiến, Chủ tịch xã Hương Quang giai đoạn 1989-2005, kể lại.

Ông Trần Bỉnh Tự kể về quá trình hỗ trợ các chuyên gia tìm kiếm sao la ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Ông Trần Bỉnh Tự kể về quá trình hỗ trợ các chuyên gia tìm kiếm sao la ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Từng hỗ trợ các nhà khoa học thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) giai đoạn 1992-1997, ông Trần Bỉnh Tự (công nhân lâm sản, nay đã về hưu), nói quãng thời gian “lật tung” hơn 58.000 hecta rừng của hai huyện miền núi Hương Khê và Hương Sơn tìm sao la là kỷ niệm ông nhớ mãi suốt 38 năm làm nghề.

Theo ông Tự, nơi ghi nhận sao la trước đây thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, rộng hàng chục nghìn hecta, sau này là vườn quốc gia Vũ Quang. Nơi đây cao hơn 2.000 m, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rét “cắt da cắt thịt”, mùa hè gió phơn gây nắng nóng, oi bức. Kiểu thời tiết này phù hợp với loài động vật thuộc họ bò (Bos) như sao la phát triển. Do vậy, đoàn công tác của Bộ Lâm nghiệp và WWF quyết định thành lập trạm nghiên cứu sao la ở giữa khu rừng rộng lớn, cách khu dân cư 35 km, xung quanh cây cối bao phủ. Trạm là căn nhà sàn rộng hơn 100 m2, có khoảng 4 phòng, đủ để 12-14 người sinh hoạt, đặt các thiết bị máy móc, vật dụng phục vụ nghiên cứu.

Đoàn gồm 12 thành viên, gọi là tổ hợp nghiên cứu đa dạng sinh học, hàng ngày đi đặt bẫy ảnh, điều tra theo đường zích zắc, tìm mẫu dấu chân, thức ăn nghi của sao la để lại. Thấy móng guốc của thú in hằn dưới đất, chuyên gia lập tức dùng thạch cao đổ khuôn, chờ kết tủa để lấy. Thực vật sao la thường ăn khoảng 50 loài, do vậy các lộc non của hàng chục loại cây cũng được hái về.

Vì loài thú này nhút nhát, sống về đêm, ngửi thấy hơi người lập tức chạy túa vào rừng sâu, vì vậy đoàn công tác hy vọng bẫy ảnh chụp được chúng. Sáu máy ảnh to bằng bàn tay người lớn, bật nguồn chế độ chụp tự động, chạy bằng pin con thỏ cùng một số máy định vị vệ tinh GPS được sử dụng. Bẫy ảnh đặt trong phạm vi một km2, khoảng 2-3 ngày khi hết pin thì đưa về sạc, lần sau chuyển sang đặt vị trí khác. Bẫy ảnh được thiết kế hiện đại, khi người hoặc động vật có máu đi qua, máy sẽ tự động chụp ảnh lại với tốc độ vài giây một lần.

Trạm nghiên cứu sao đặt trong rừng ở huyện Hương Khê những năm 1992-1997. Ảnh: Bỉnh Tự

Trạm nghiên cứu sao đặt trong rừng ở huyện Hương Khê những năm 1992-1997. Ảnh: Bỉnh Tự

Là người am hiểu địa hình, ông Tự luôn đi trước dẫn đường. Đoàn lần lượt khảo sát từng tiểu khu, lội qua nhiều con suối, leo lên những vách núi dựng đứng tìm kiếm. Nếu làm ở khu vực gần thì 2-3 ngày họ sẽ đưa mẫu vật mới thu thập đem về trạm phân tích, chọn lọc những thứ được xem là sát nhất với sao la, tiếp đó gửi bằng đường bưu điện ra Hà Nội “giải mã”. Với những tiểu khu xa trạm nghiên cứu, họ dựng lán, trải chiếu ngủ giữa bìa rừng, một tuần mới về.

Mùa hè, các thành viên trong đoàn luôn ướt sũng vì cơ thể đổ mồ hôi. Mọi người thường tắm giải nhiệt tại suối hoặc những dòng thác trong khu bảo tồn. Mùa đông rét buốt, đôi lúc việc tìm kiếm phải dừng lại, vì leo rừng rất nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở. Đặc biệt, đôi lần ngủ tại rừng, vắt bám đầy người.

“Tôi thì không còn lạ lẫm, song những chuyên gia nước ngoài ban đầu luôn ồ lên khi bị một con vắt bám vào chân, thay đổi sắc mặt. Lâu dần thành quen, vắt không còn là nỗi ám ảnh với họ”, ông Tự kể. Vài tháng đầu, ông Tự chưa tìm được tiếng nói chung với đoàn, do có một số chuyên gia nước ngoài. Hơn nửa năm, vấn đề bất đồng ngôn ngữ được hóa giải, ông Tự trao đổi với họ bằng ký hiệu và hành động, nhiều hôm đi khảo sát không cần phiên dịch.

Ngoài Bộ Lâm nghiệp và WWF, thời gian này cũng có nhiều tổ chức nước ngoài ra vào rừng Hương Sơn và Hương Khê để tìm sao la, một đợt kéo dài 20-30 ngày. Nhiều hôm nghỉ tại trạm nghiên cứu, ông Tự lại dẫn các đoàn đi tìm loài thú được cho là bí ẩn. Tuy nhiên, ròng rã suốt nhiều năm không thu được kết quả như mong đợi. Sao la hầu như không còn xuất hiện, bẫy ảnh có chụp được thú, nhưng đó là những loài như hươu, lợn rừng, sóc, chồn.

Một con sao la được ghi nhận tại Huế vào những năm 1998. Ảnh: WWF-Việt Nam

Một con sao la được ghi nhận tại Huế vào những năm 1998. Ảnh: WWF-Việt Nam

Nhiều chuyên gia đêm về tâm tư, trằn trọc rồi thức đến sáng, trong bữa ăn luôn bàn chuyện thú rừng. Vì vậy, họ rất trân trọng những mẫu vật thu được, dù là nhỏ nhoi. Có lần tìm thấy một cây môn dóc (loài thực vật sao la hay ăn), 12 thành viên cơ mặt như giãn ra sau nhiều ngày lội suối, leo núi mệt mỏi. Họ vui mừng ôm chầm lấy nhau bởi môn dóc là loài cây quý, mọc chông chênh trên vách đá, nó chứng minh được tập tính sinh hoạt thú vị của sao la.

Đoàn chuyên gia đôi lúc mở rộng khu vực tìm kiếm ra Nghệ An, vào Quảng Bình rồi sang cả Lào, song sao la vẫn “lẩn trốn”. Tuy nhiên, hàng trăm mẫu vật liên quan sao la như dấu chân, thức ăn được gửi về Hà Nội, khi phân tích đủ cơ sở khẳng định loài thú quý hiếm này lần đầu ghi nhận tại vùng Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh).

Thời điểm đó, cố chuyên gia Đỗ Tước (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp) giải thích, theo công bố trên tạp chí quốc tế, sao la tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis. Việc đặt tên loài mới theo tiếng Latin được gợi ý nên gắn với địa danh nơi phát hiện. Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay nên thời điểm trước đó có thể khẳng định sao la đã xuất hiện tại vùng đất này thông qua các bộ sừng thu tại nhà dân. Vì vậy, từ Nghệ Tĩnh được đánh dấu trong tên khoa học của loài thú quý hiếm này là nghetinhensis.

Riêng cụm từ Pseudoryx là tên gốc, được đặt theo một loài thú là con oxyt có nhiều nét tương đồng như sao la, nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều, được tìm thấy ở vùng Trung Đông từ rất lâu. Sau này, sao la được gọi là kỳ lân châu Á, vì sự khó tìm thấy và khó chụp ảnh được nó.

Các chuyên gia trong một lần đi khảo sát, tìm kiếm sao la. Ảnh: Bỉnh Tự

Các chuyên gia trong một lần đi khảo sát, tìm kiếm sao la. Ảnh: Bỉnh Tự

“Dù tiếc nuối vì không được tận mắt thấy sao la, tuy nhiên 5 năm đằng đẵng đi thực địa, đoàn do tôi hỗ trợ đã phát hiện ra mang lớn và thỏ vằn. Đây cũng là hai loài thú đặc hữu, chỉ được phát hiện tại Việt Nam”, ông Tự nói. Năm 1995, khi các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước lần lượt rút về, trạm nghiên cứu sao la trong khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang cũng giải thể, ông Tự quay trở lại làm làm công nhân khai thác lâm sản cho đến khi về hưu.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Giám đốc Chương trình bảo tồn động vật hoang dã, Tổ chức WWF Việt Nam, cho biết nơi sao la còn sống sót ở khắp dãy Trường Sơn thuộc miền Trung Việt Nam, bao gồm cả vườn quốc gia Vũ Quang. Tuy nhiên, các bằng chứng từ người dân địa phương, kiểm lâm và tổ chức bảo tồn cho rằng hiện sao la không còn phần lớn ở các khu vực này, và khả năng chỉ còn rất ít với các cá thể phân bố rải rác.

“Hiện sao la được thế giới quan tâm trở lại khi là linh vật của SEA Games 31. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học do WWF Việt Nam và các đối tác thực hiện hy vọng sẽ bảo tồn và khôi phục quần thể sao la ở khu vực trung Trường Sơn, bởi nó là một phần quan trọng của di sản thiên nhiên Việt Nam”, ông Tín nói.

Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis hay còn được gọi là kỳ lân châu Á, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng mức nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong sách đỏ của Việt Nam.

Việc khám phá ra loài sao la ở Hà Tĩnh vào năm 1992 đã gây chấn động vì giới khoa học cho rằng việc tìm thấy loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là “khó có thể xảy ra”. Từ sau đó, tại Việt Nam, đến nay giới chuyên môn chỉ vài lần hiếm hoi ghi nhận và nhìn thấy sao la xuất hiện tại một số cánh rừng miền Trung.

Hồi tháng 11/2020, tác phẩm sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi được lựa chọn là linh vật của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Theo công bố của Tổng cục Thể dục Thể thao, tác phẩm sao la được lựa chọn vì đáp ứng các tiêu chí như bố cục, thẩm mỹ và ý nghĩa.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress.net

Leave A Reply

1 + three =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.