Hiện nay, phong trào nuôi cá sấu đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tình trạng nuôi cá sấu không đăng ký, không rõ nguồn gốc khiến việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn, người nuôi chịu thiệt hại về kinh tế. Việc nuôi cá sấu tự phát, chuồng trại không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Lơ lửng hiểm họa.
Cách đây vài tháng hộ của Ông Mai Văn Xuyên, cơ sở gây nuôi cá sấu tại khóm 5, phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, một con cá sấu chừng 30kg tẩu thoát xuống sông khi đang vận chuyển, sau hàng tuần huy động lực lượng truy lùng mới bắt được. Do chưa có thông tin cụ thể từ các chuồng trại nuôi cá sấu trong mùa mưa bão, hiện vẫn chưa xác định được số lượng cá sấu sổng chuồng là bao nhiêu, gây tâm lý bất an cho người dân ở các vùng sông nước. Thế nhưng những hộ dân nuôi cá sấu với quy mô nhỏ lẻ chủ yếu cho các cơ sở lớn vẫn tỏ ra chủ quan, lơ là. Thậm chí, một số hộ dân không chú trọng đến chất lượng an toàn chuồng trại. Việc mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, không đăng ký tại cơ quan Kiểm lâm, trong quá trình xây dựng chuồng trại không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, có thể dẫn đến sổng chuồng bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho xã hội.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 15 ngàn con cá sấu trưởng thành, của gần 400 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có đăng ký gây nuôi. Trong đó, trang trại gây nuôi của ông Ngô Văn Nga, – ấp Cây Trâm, xã Định Bình, thành phố Cà Mau có số lượng lớn nhất với hơn 3 ngàn con, còn lại là của các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều đáng lo ngại là do thiếu kiến thức, thiếu đầu tư nên phần lớn các chuồng trại nuôi không đảm bảo an toàn. Ông Phan Hùng Dũng, trưởng phòng pháp chế thanh tra Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận:
“Trong tổng số trên 15 ngàn con cá sấu nuôi tại địa bàn tỉnh, phần lớn nuôi mang tính tự phát, có những hộ nuôi vài con, nên rất khó quản lý. Một số hộ gia đình nuôi không đăng ký, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và nhắc nhở. Bên cạnh đó cơ quan kiểm lâm các cấp đã tăng cường tuyên truyền các quy định của nhà nước về mua bán, vận chuyển và đăng ký gây nuôi động vật hoang dã đến tất cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để mọi người dân hiểu và làm theo quy định của pháp luật”
Giá cá sấu gần đây lên, xuống bất thường có lúc xuống còn 60.000đồng/kg (loại cá sấu 15kg/con) giảm gần một nửa so với giá năm 2006, trong khi đó chi phí về thức ăn, xây dựng chuồng trại, nhân công… không ngừng tăng khiến nhiều người nuôi thua lỗ nặng. Việc gia cố, sửa chữa chuồng trại xuống cấp gần như lãng quên. Một số trại nuôi chỉ xây tạm bợ bằng lưới sắt B40, do đó không đảm bảo an toàn, đang là tình trạng phổ biến trong nhiều nơi trong tỉnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, chính vì vậy, nguy cơ cá sấu sổng chuồng là rất lớn. Địa hình ở Cà Mau đi lại chủ yếu bằng đường thủy, nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, cá sấu sổng chuồng sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Hơn nữa việc khắc phục hậu quả, truy bắt rất khó khăn, hiệu quả thấp và tốn kém.
Thiệt hại về kinh tế.
Những năm trước đây, một số hộ dân nuôi cá sấu nước ngọt và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những tin đồn về nghề nuôi cá sấu với khoản lợi nhuận cao khiến phong trào nuôi cá sấu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau phát triển rất mạnh. Qua tìm hiểu tại một số hộ gia đình nuôi cá sấu bị thua lỗ là do phong trào gây nuôi tự phát, không chịu tìm hiểu kỹ. Nuôi cá sấu tự phát khó bán, hơn nữa không đăng ký với cơ quan kiểm lâm nên không vận chuyển đi nơi khác được, khả năng thua lỗ cao, tạo cơ hội để những thương lái đẩy giá con giống kiếm lời. Từ năm 1994, Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước CITES thì việc nuôi, mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu cá sấu được quản lý chặt chẽ hơn.
Thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, chỉ có những người nuôi cá sấu có đăng ký, vốn lớn, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, nguồn gốc cá sấu rõ ràng mới có cơ hội tiêu thụ và có lãi. Còn đối với những người nuôi nhỏ lẻ, mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc thì rất khó tiêu thụ, thậm chí nếu không đăng ký còn vi phạm pháp luật. Hiện nay, khi việc xuất cá sấu tiểu ngạch sang các nước khác gặp khó khăn thì giá cá sấu ở đồng bằng sông Cửu Long càng sụt giảm. Giá cá sấu trên thị trường có lúc chỉ còn khoảng 70.000đồng/kg mà chẳng có người mua. Vấn đề giải quyết đầu ra đối với cá sấu không hề đơn giản. Các sản phẩm từ cá sấu có giá trị cao, tuy nhiên việc tiêu thụ không hề đơn giản. Muốn xuất khẩu cá sấu, trước hết người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, chuồng trại đủ tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch xuất khẩu. Đó là chưa xét về khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong điều kiện cá sấu Việt Nam da thường bị trầy xước, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhằm ngăn ngừa hạn chế tình trạng cá sấu sổng chuồng chính quyền địa phương trong khu vực cần có những biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với những trường hợp nuôi cá sấu bất hợp pháp, không đăng ký, không có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt đối với những trường hợp chuồng trại không đảm bảo an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những quy định của pháp luật về nghề nuôi cá sấu.
Nguồn: Cục Kiểm lâm
(Tác giả: Phan Chế Linh)