Phong tục, tập quán mối liên hệ với quản lý tài nguyên rừng

0

Phong tục, tập quán là một khái niệm phức tạp, tuy nhiên có thể được hiểu là những quy tắc xử sự mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng qua nhiều thế hệ của toàn thể dân cư trong một cộng đồng tự quản (thôn bản, xã). Các quy tắc này được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tộc người hoặc mang tính khu vực. Với vai trò như vậy, phong tục, tập quán và việc áp dụng phong tục, tập quán trong quản lý, bảo vệ rừng có ý nghĩa rất lớn. Phong tục, tập quán thể hiện truyền thống văn hóa và giá trị đạo đức trong cộng đồng người. Việc áp dụng phong tục, tập quán là một trong các biện pháp cần thiết để bảo vệ các bản sắc văn hóa và chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Cùng với quy phạm pháp luật, phong tục, tập quán là công cụ điều chỉnh hữu hiệu các hoạt động quản lý tài nguyên
rừng và môi trưòng. Trong quá trình sản xuất, sinh hoạt của con người các hoạt động đó đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán. Để điều chỉnh tốt nhóm quan hệ xã hội này, cần có sự kết hợp hài hòa, hỗ trợ, bổ sung giữa các quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán. Như phong tục cúng rừng của đồng bào dân tộc H’Mông chẳng hạn. Do có truyền thống gắn bó với rừng, họ có phong tục cúng rừng, nên hầu như thôn bản nào cũng quản lý một diện tích rừng hoặc 2-3 thôn quản lý chung một diện tích rừng cúng. Người dân H’Mông coi rừng cúng của thôn là rừng thiêng nên bảo vệ rất nghiêm ngặt theo hương ước do thôn đề ra và truyền qua nhiều đời bằng miệng không có văn bản chính thức. Hương ước này quy định: Nghiêm cấm mọi người dân trong thôn kể cả người ngoài không được vào rừng cúng chặt cây, lấy củi, chăn thả gia súc vào rừng…, nếu ai vi phạm sẽ bị thôn phạt vạ bằng tiền, ngô hoặc gạo nộp vào quỹ. Chính vì quy định nghiêm ngặt và phạt vạ về giá trị kinh tế lớn nên không có người vi phạm vào rừng cúng, do đó rừng này được bảo vệ rất tốt. Hàng năm vào tháng giêng hoặc tháng hai nhân dân tổ chức lễ hội cúng rừng, ngoài mục đích cầu cho thần rừng phù hộ, nhân dân trong được bình an, mùa màng tươi tốt, thôn còn quy định mỗi hộ trong thôn phải trồng từ 1 đến 5 cây vào khu vực rừng cấm nhằm phát triển rừng tốt hơn. ở một số nơi người Nùng lại có phong tục hằng năm vào ngày Thìn tháng hai âm lịch tổ chức cúng rừng, cộng đồng dân cư thôn đóng
góp gạo, thực phẩm đem nấu ăn và cúng tại rừng cấm. Người cao tuổi trong thôn (già làng) cúng cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu được mùa màng. Trước đây vào những ngày này cộng đồng dân cư thôn quy định cấm bảy ngày người trong bản không được vào rừng chặt cây, nếu ai chặt coi là không được may mắn trong năm.

Gần đây nhờ công tác tuyên truyền vận động, ý thức người dân được nâng cao nên chỉ còn cấm ba ngày. Đây là một phong tục truyền thống tốt đẹp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Có thể nhận thấy điểm chung giữa quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán về lâm nghiệp, đặc biệt về quản lý, bảo vệ rừng là cùng thực hiện mục tiêu điều chỉnh và điều tiết quá trình khai thác, sử dụng lâm sản trong rừng. Mặc dù vậy, nếu xét về đối tượng, phạm vi, cấp độ điều chỉnh giữa chúng có sự khác biệt khá lớn. Với chính sách pháp luật hiện nay, các quy phạm pháp luật là công cụ điều chỉnh hữu hiệu, có hiệu lực cao,được ban hành một cách chính thống, có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội ở tầm rộng hơn và khái quát hơn. Phong tục, tập quán đi vào chi tiết, cụ thể tại cộng đồng địa phương. Vì vậy, các phong tục bản địa dễ áp dụng, phù hợp thực tiễn và cũng dễ dàng được cộng đồng chấp nhận. Do mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng của người dân qua nhiều thế hệ đúc kết lại và có sự điều chỉnh trong cuộc sống hiện tại nên các thành viên cộng đồng rất tin tưởng vào tính công bằng, chính xác của các quy tắc xử sự này, nhất là khi những phong tục, tập quán được ghi lại thành hương ước, quy ước. Nếu biết sử dụng, kết hợp thì phong tục, tập quán sẽ là sự hỗ trợ tốt cho các quy phạm pháp luật. Phong tục, tập quán còn giúp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện giữa các cộng đồng một cách ôn hòa, tích cực bởi các cộng đồng sống gần nhau sẽ có những nét tương đồng nên có thể dễ dàng hòa giải. Tuy vậy, việc áp dụng các phong tục, tập quán trong quản lý tài nguyên rừng cũng cần có những nguyên tắc nhất định như: Các phong tục tập quán được áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp quy của Nhà nước. Chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đã thông dụng, được cộng đồng người sinh sống trên địa bàn thừa nhận. Chỉ áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó. Phát huy tốt vai trò của những người đứng đầu cộng đồng (già làng, trưởng bản) trong việc áp dụng phong tục, tập quán trong quản lý tài nguyên rừng và môi trường.

Như vậy, việc áp dụng phong tục, tập quán trong quản lý tài nguyên rừng và môi trưòng có rất nhiều vấn đề đáng quan
tâm. Để có thể sử dụng tốt các phong tục tập quán hỗ trợ cho quy phạm pháp luật trong quản lý rừng và môi trường cần tiến hành một số giải pháp. Đó là xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh về kế thừa, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán trong quản lý tài nguyên rừng và môi trường (như quy định danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu không được áp dụng và danh mục các phong tục, tập quán tốt đẹp được khuyến khích). Tập huấn Luật bảo vệ và phát triển rừng, áp dụng, kế thừa, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp cho cán bộ, nhân dân các địa phương. Tránh hiện tượng cực đoan hoặc phủ nhận giá trị truyền thống trong phong tục, tập quán hoặc quá lạm dụng phong tục, tập quán về quản lý tài nguyên rừng và môi trường, làm giảm tính hiệu lực của các quy phạm pháp luật. Nâng cao ý thức của nhân dân trong gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp về quản lý bảo vệ rừng và môi trường. Giúp nhân dân nhận biết các phong tục tập quán lạc hậu cần được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Nguồn: Cục Kiểm lâm

Leave A Reply

13 − 3 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.