Rừng vàng chưa hẳn mang về cho dân vàng bạc

0

Dân Cà Mau tự hào cho rằng họ có rừng vàng, tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể mới thấy rừng vàng chưa hẳn mang về cho dân vàng bạc tiền tài mà thực tế rừng đã và đang đặt ra cho các nhà quản lý nhiều vấn đề bức xúc.

Cà Mau có tổng diện tích rừng lên tới hơn 150.000 ha, trong đó có trên 70.000 rừng tràm, còn lại là rừng ngập măn và rừng phòng hộ. Không rõ từ bao giờ dân nơi đây tự hào cho rằng họ có rừng vàng. Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể mới thấy rừng vàng chưa hẳn mang về cho dân vàng bạc tiền tài mà thực tế rừng đã và đang đặt ra cho các nhà quản lý nhiều vấn đề bức xúc.

Trước hết là đối với rừng tràm U Minh Hạ, đây là loại rừng quí hiếm, có không nhiều trên thế giới hiện nay. Cái vàng của rừng tràm là góp phần làm cân bằng môi trường sinh thái, đồng thời rừng có giá trị cho các nhà nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra rừng hiện nay không có giá trị kinh tế, cụ thể là cây tràm hiện đang có tới gần 40.000 ha. Nhiều người có hai ba đời sống giữa rừng tràm bạc ngàn nầy cho biết, hàng trăm năm nay họ sống trong rừng là nhờ cây lúa, con cá, cây ăn trái, hoặc nuôi các loại con như heo, gà, vịt. Còn cây tràm thực chất không mang lại cho bà con giá trị kinh tế thực sự.

Trước đây, cây tràm dùng để làm cừ xây dựng cơ bản, nhưng thời gian sau nầy trong xây dựng người ta dùng cừ bằng bê tông, từ đó cây tràm không còn biết sử dụng vào việc gì. Hiện nay, rừng tràm có tới hơn 10.000 ha đến tuổi khai thác, nhưng đành phải để đó nằm chờ, vì nếu khai thác cũng không biết bán cho ai.

Cho dù rừng tràm không có giá trị kinh tế, nhưng vẫn phải duy trì một bộ máy quản lý rừng nhiều tốm kém. Với hàng trăm nhân viên kiểm lâm, mỗi năm phải đổ vào đây hàng chục tỷ đồng để trồng rừng, bảo vệ rừng, mùa khô nếu rừng bị cháy chính quyền địa phương phải huy động mọi nguồn lực mới giữ được rừng. nhiều cán bộ bị kỷ luật oan vì thiếu trách nhiệm để rừng cháy!.

35 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau trãi qua nhiều thời khắc thăng trầm, với nhiều hình thức quản lý. Khi thì rừng được giao cho lâm ngư trường, sau đó lâm ngư trường giao khoán cho dân quản lý, ăn chia theo tỷ lệ phần trăm.

Hiện nay đổi lại từ lâm ngư trường thành công ty lâm nghiệp. Thế nhưng trong thực tế, sự tồn tại của lâm ngư trường hay công ty lâm nghiệp vẩn không có gì khác. Quan trọng là làm thế nào biến rừng ngoài giá trị cân bằng sinh thái, nghiên cứu khoa học, rừng còn có giá trị kinh tế, để người dân nơi đây ngày càng có cuộc sống khá hơn.

Tương tự như rừng tràm, rừng ngặp mặn Cà Mau, cũng như rừng phòng hộ đang tồn tại một vấn đề là mô hình quản lý. Nếu như người dân ở rừng tràm sống như cây lúa, con cá nước ngọt thì dân sinh sống trong rừng ngập mặn ven biển tồn tại bằng con tôm, con cua, cá biển chứ không phải sống nhờ cây đước, cây mắm. Ngày xưa, cây đước được dùng nguyên liệu hầm than xuất khẩu, làm củi để nấu ăn.

Bây giờ nghề hầm than xuất khẩu không còn nửa, nấu năn thì đã có bếp gas, lò điện. Thế là cây đước ngập mặn cùng chung số phận với cây tràm vùng nước ngọt. Không mang lại cho người dân sự hữu ích nào. Từ đó, dân không còn tha thiết với rừng, thậm chí chặt bỏ cây đước, cây tràm để sản xuất, nuôi trồng các loại cây, con khác.

Thời điểm thay đổi cơ chế quản lý rừng xem ra đã chín muồi, nhưng từ lâu, rừng vẩn là đề tài nhạy cảm, có lẻ từ đó không ai dám quyết định làm thay đổi bộ mặt của rừng. Mấy năm trước đây có một vụ tổ chức trồng cây keo lai thử nghiệm trên rừng tràm, liền sau đó bị báo chí quy tội phá rừng nên đành phải thôi.

Quản lý rừng, giữ rừng là nguyên tắc không thể khác, nhưng làm thế nào giữ được rừng, đồng thời với đa dạng hóa cây rừng, chấm dứt độc canh cây tràm, cây đước, biến rừng thành vàng là điều đáng quan tâm.

Nên chăng, chính quyền địa phương chỉ đạo tiếp tục ổn định và trồng mới để phủ kín toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển, vì đây là loại rừng có giá trị bảo vệ đê biển, chống xâm mặn, chống sạt lở nên không cần thêm giá trị kinh tế.

Đối với rừng tràm, rừng đước ngoài việc bảo vệ diện tích rừng hiện có, nên tổ chức trồng mới cây rừng trên đất trống hiện còn rất nhiều. Rừng tràm không nhất thiết phải là cây tràm, mà có thể xen với các loại cây phù hợp như cây keo lai, cây tràm bông vàng.

Rừng nhất định sẽ là một thứ nguyên liệu để chế biến, do vậy cần phải đầu tư một số nhà máy chế biến gổ, để chế biến hàng xuất khẩu từ cây tràm, cây đước. Làm được những điều như vậy rừng đương nhiên sẽ có giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, để rừng thật sự có giá trị kinh tế, trước hết là phải thay đổi cơ chế quản lý rừng hiện nay. Thế nhưng ai quyết định thay đổi, đây là vấn đề cần bàn. Thiết nghĩ, trung ương nên giao hẳn cho địa phương về phương diện này để địa phương chủ động quản lý và sử dụng tài nguyên rừng một cách có hiệu quả

Nguồn: VFEJ

Leave A Reply

4 × 4 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.