Sự kỳ diệu của côn trùng

0

Côn trùng là nhóm đa dạng nhất trên trái đất với hơn 900.000 loài, nhiều hơn khoảng ba lần số lượng các động vật khác cộng lại. Côn trùng cũng đã thu hút sự tưởng tượng phong phú và đi vào trong tâm trí con người từ thời tiền sử.

Gần đây, người ta đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của côn trùng (và động vật chân đốt trên hành tinh, bao gồm động vật thuộc lớp nhện, động vật nhiều chân…) trong văn học, ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật trình diễn và giải trí. Đặc biệt, côn trùng chi phối rất lớn trong nghệ thuật tạo hình và điêu khắc của các tộc người. Trong nghệ thuật tạo hình và điêu khắc, các nghệ nhân dân gian đã khai thác hình tượng côn trùng như tư thế, hình dạng, màu sắc… của chúng để đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Vô số côn trùng được mô tả trong nghệ thuật điêu khắc đá và chữ tượng hình của người tiền sử. Ngày nay, ta có thể thấy rõ, nhiều tộc người đều sử dụng côn trùng để làm mẫu trang trí trên đồ trang sức, đồ gốm, đồ đan, mẫu dệt và nhiều vật dụng khác.

Trong các vật dụng có trang trí hình mẫu côn trùng thì đồ dệt được sử dụng khá phổ biến. Trên trang phục Cơtu, ta thường thấy xuất hiện hình con nhện nước (a ding dang), hình răng nhện đất (cơluôi atô), hình đuôi dế (xoi arách), hình con rết (khip)… Con nhện nước là con vật nhỏ bé thường bơi lững lờ ở chỗ nước lặng. Theo truyện cổ thì ngày xưa nó có công cho con người thóc giống. Hoa văn này chỉ là một mô-típ đơn giản, gồm một trục chính giống như mũi tên và vài nhánh nhỏ đối xứng qua trục, gần giống với hoa văn xương cá hay cây mây.

Trong nghệ thuật ẩm thực của các dân tộc, côn trùng cũng đóng vai trò quan trọng. Mối, dế, đuông, cào cào, châu chấu, ve, kiến, bò cạp… được dùng để làm thức ăn và chữa bệnh. Dế dũi còn gọi là lậu cô, thổ cẩu… có tên khoa học là Gryllotalpa africana palisot et Beauvoi, vị mặn, tính mạnh, không độc, có công dụng lợi tiểu, thông tiện, thường dùng để chữa thủy thũng, thạch lâm (đái són), tiểu tiện bất lợi, lao hạch, nhọt độc, ung thũng… Dế mèn còn gọi là tất xuất, dạ minh trùng, xu chức, xúc chức…, tên khoa học là Gryllus testaceus walker, vị cay mặn, tính ấm, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng để chữa thủy thũng, tiểu tiện bất lợi, sưng nề, cổ trướng… Ngày nay, người ta chẳng những bắt dế trong thiên nhiên mà còn nuôi dế để chế biến thức ăn. Dế sữa chiên giòn ăn bánh tráng và rau sống, dế kho tiêu, bánh mì chiên dế, lẩu dế, gỏi dế, dế chiên bột, dế nướng, dế rang mặn…

Kiến còn gọi là mã nghĩ, tên khoa học là Formica fusca Linnaeus, vị mặn, tính bình, có độc, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, khử phong, trừ thấp, giải độc tiêu thũng, điều hòa âm dương, được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm đa khớp, viêm gan siêu vi B, đái đường, đổ mồ hôi chân tay, đinh nhọt, rắn cắn…

Đầu mùa mưa, các tộc người miền núi thường bắt mối về thì bỏ vào chảo rang giòn hay giã nát gói thành từng bánh để ăn dần. Nếu bắt được nhiều mối thì họ cho vào ống tre dự trữ vào lúc khan hiếm thức ăn. Dù để lâu ngày nhưng nếu bảo quản tốt, mối khô ăn cũng ngon không kém gì so với mối tươi mới bắt. Trong các món ăn từ côn trùng, con đuông được liệt vào món cao cấp nhất. Nếu ở trên núi, con đuông sống trong măng tre lồ ô thì ở đồng bằng, chúng sống trong đọt dừa hoặc cây chà là. Trong các nhà hàng sang trọng, con đuông được hấp xôi và đặc biệt là nướng và chiên bơ.

Một loài côn trùng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống con người, đó là con ong. Ong mật tên khoa học là Apiscerana Fabricius được nuôi để lấy mật và các sản phẩm khác như sáp ong, tổ ong, nọc ong, keo ong, phấn hoa, sữa ong chúa… để làm thuốc. Mật ong đã được sử dụng cách đây hàng nghìn năm, từ nền văn minh Sumer, nền văn minh Ai Cập cổ đại cho đến tận ngày nay… Mật ong còn gọi là phongmật, vị ngọt, tính bình, là môn thuốc cổ truyền nhất, có công dụng bổ trung, nhuận phế, trừ ho, nhuận tràng thông tiện, chỉ thống giải độc, được dùng để bồi dưỡng và chữa các bệnh như ho, táo bón, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét miệng, bỏng, ngộ độc ô dầu… Mật ong là món ăn tự nhiên rất thơm ngon và bổ dưỡng. Sáp ong còn gọi là phong lạp, vị ngọt, hơi ẩm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức và kích thích tiêu hóa… Nọc ong còn gọi là độc dịch, có tác dụng cường tráng, trấn thống, bịnh suyễn, khử phong, trừ thấp, được dùng để chữa các bệnh như thấp nhớp, viêm tim do thấp, bệnh thấp của cơ, đau thần kinh tọa, sưng khớp truyền nhiễm không đặc hiệu, viêm khí phế quản, hen suyễn, nhức đầu, cao huyết áp giai đoạn 1 và 2, vô sinh…

Nguồn:
MONRE

Leave A Reply

one × three =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.