Tuần rừng cùng chiếc điện thoại thông minh

0

Những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bước đi đột phá đó đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn.

Huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có tổng diện tích tự nhiên hơn 83.000ha, trong đó diện tích lâm nghiệp trong quy hoạch là hơn 65.000ha, chiếm trên 1/3 diện tích quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Diện tích rừng tự nhiên của huyện Võ Nhai chiếm 2/3 tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên và có đủ 3 loại rừng là đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Với điều kiện địa bàn rộng và phức tạp, địa hình cách trở, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn…, có thể nói công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương này không hề dễ dàng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai theo dõi diễn biến rừng trên hệ thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai theo dõi diễn biến rừng trên hệ thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, hiện đơn vị đang có 14 cán bộ trực tiếp phụ trách trên địa bàn, trung bình mỗi cán bộ kiểm lâm phải quản lý hơn 4.600ha rừng. Đặc biệt, tại những xã có địa hình đặc thù, 1 cán bộ kiểm lâm phải quản lý đến 10.000ha rừng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết, từ những yếu tố khách quan trong thực tiễn, công tác trực tiếp kiểm tra, tuần rừng tại hiện trường của các cán bộ kiểm lâm nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, trong khi việc kiểm tra, đánh giá tình hình khi vào đến hiện trường của cán bộ kiểm lâm yêu cầu sự chính xác, nhanh nhạy cũng như phải ra quyết định ngay lập tức và không thể mất công đi lại nhiều lần.

“Trước đây, mỗi lần đi tuần rừng, cán bộ kiểm lâm địa phương sẽ phải mang theo bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… và sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tin, kinh nghiệm của người dân nên công việc mất nhiều thời gian công sức và hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên giờ đây, việc ứng dụng hệ thống thông tin theo dõi trên vệ tinh, đo vẽ kiểm tra bản đồ đã hỗ trợ nhiều trong việc quản lý, đặc biệt là công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, theo dõi điểm nghi cháy rừng, điểm nghi mất rừng. Với áp lực lớn từ nhiệm vụ thực tiễn, nếu không có sự hỗ trợ từ những ứng dụng này, cán bộ kiểm lâm địa phương sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ kiểm lâm địa phương thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn nhờ có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ kiểm lâm địa phương thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn nhờ có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai đã tăng cường ứng dụng những phần mềm như theo dõi diễn biến tài nguyên rừng FRMS; phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees; hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (FireWatch Việt Nam); hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; phần mềm theo dõi động vật hoang dã…

“Bên cạnh ứng dụng những phần mềm, hệ thống quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cũng tăng cường sử dụng thiết bị bay (flycam), sử dụng dữ liệu bản đồ số trên điện thoại thông minh. Qua đó giúp cán bộ kiểm lâm trên địa bàn giảm áp lực và hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng được nhanh và chính xác hơn”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.

Đưa chuyển đổi số vào phương án sản xuất lâm nghiệp

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã từng bước triển khai đồng bộ và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, khai thác và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với VNPT Thái Nguyên xây dựng và vận hành phần mềm quản lý cây xanh Thai Nguyen SmartTrees, qua đó giúp việc nhập liệu, tra cứu thông tin về cây xanh trên địa bàn tỉnh được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Đồng thời, Chi cục đã đưa vào khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin; phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS); hệ thống thông tin địa lý và ảnh viễn thám để phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ số, công nghệ viễn thám để quản lý dữ liệu về rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã đã hỗ trợ công tác quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã thuận tiện, hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Minh Hà (thứ hai từ trái sang), việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Trần Minh Hà (thứ hai từ trái sang), việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, khai thác và bảo vệ rừng thời gian qua đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành cũng như việc trao đổi thông tin cần thiết, cấp bách của ngành kiểm lâm tỉnh được chính xác và kịp thời hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.

“Số vụ vi phạm lâm luật đã giảm từ 364 vụ năm 2017 còn 102 vụ trong năm 2023. Thái Nguyên đã không còn các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép… Chi cục cũng đã thực hiện tốt công tác trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, ổn định tỷ lệ che phủ trên 46%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm”, ông Trần Minh Hà thông tin.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, nhằm tiếp tục phát huy những tiện ích, hiệu quả mà tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại trong quản lý, khai thác và bảo vệ rừng, thời gian qua, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, đồng thời phối hợp cùng các ban, ngành liên quan chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, HTX và các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào sản xuất lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa nội dung chuyển đổi số vào phương án sản xuất lâm nghiệp hằng năm để chỉ đạo triển khai thực hiện. Gắn nhiệm vụ chuyển đổi số trong sản xuất lâm nghiệp với thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngành Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã đưa nội dung chuyển đổi số vào phương án sản xuất lâm nghiệp hằng năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngành Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã đưa nội dung chuyển đổi số vào phương án sản xuất lâm nghiệp hằng năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, thời gian tới, ngành kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên sẽ hướng tới việc quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng tốt. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp, nguồn gốc rừng trồng phục vụ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động trong sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao”, ông Trần Minh Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, Chi cục sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc rừng, phát triển cơ giới hóa trong làm đất và khai thác rừng. Ứng dụng những thiết bị, kỹ thuật hiện đại để theo dõi diễn biến rừng như công nghệ viễn thám, GIS, thiết bị flycam… Ứng dụng công nghệ nano, sử dụng vi sinh vật trong chế biến, bảo quản lâm sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học trong quản lý, khai thác và bảo vệ rừng thông qua các phần mềm chuyên môn như: Phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees; phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS); phần mềm quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin; phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã; phần mềm giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Leave A Reply

3 × two =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.