Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái

0

Với dân tộc Thái Việt Nam, rừng – đặc biệt là rừng thiêng có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống và tâm linh. Những cánh rừng ấy không chỉ cung cấp nguồn nước mát cho các buôn làng mà còn ban tặng cho người Thái bao nhiêu sản vật quí. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi cúng tế “đông xên”, nơi chôn cất những người quá cố “đông pá heo” và nơi… thờ cúng.

Dân tộc Thái vốn là những cư dân lúa nước, sống ở vùng bán sơn địa, người Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn với cuộc sống và mùa màng. Mỗi người Thái đều tâm niệm rằng rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người Mẹ. Người Thái có câu: Tai pá phăng, nhăng pá liệng – có nghĩa là Sống rừng nuôi, chết rừng chôn.

Rừng cung cấp cho người từ ngọn măng, ngọn rau, cây nấm, thuốc chữa bệnh… đến cây cột dựng nhà, thậm chí cả chiếc quan tài khi qua đời. Việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành luật lệ của bản mường. Người Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau rằng: “Hiêm
pá vạy lun lăng chắng mả/ Vạy haử nặm chu bó lay lơng/ Phaư chứ đảy khót nặn măn chắng pên côn” – có nghĩa là Giữ
rừng cho muôn đời phát triển/Để cho muôn mỏ nước tuôn trào/Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người!

Người Thái nói về rừng, rừng thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người một cách rất đơn giản, ai cũng hiểu được: Pá đông xông cột/Mạy pên khôn/Côn pên nuốt/Pá cắm đông kheo/Mạy hua ta/Nga hua bó/Pá tắm đin piêng/Pá heo đông căm/Pá cấm đông xên… – có nghĩa là “Cây có lông (cây cổ thụ), như người già có râu, rừng xanh bát ngát, là rừng đầu nguồn, rừng đầu mó nước, rừng ngút ngàn tít tắp, rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng…”.

Rừng trong tâm thức của người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những qui ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống được tôn thờ, được sùng kính như với ông bà, tổ tiên.Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, dân tộc Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.

Những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng. Ngày xưa những khu rừng cấm này không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Thậm chí ai đi qua cũng phải cúi lạy, kể cả phìa tạo (giai cấp thống trị trong xã hội dân tộc Thái thời trước) cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây vì không ai được phép đuổi theo nên sẽ được rừng che chở bảo vệ.

Có khu rừng hàng năm chỉ mở cho phép mọi người vào hái măng một vài lần trong năm sau những cơn mưa rồi lại đóng để rừng phát triển xanh tốt – pá nó hảm, còn những khu rừng bảo vệ nguồn nước tuyệt đối cấm khai thác, rừng dành cho việc khai thác vật liệu dựng nhà thì cấm không được phát, đốt làm nương. Khi cần chặt một cây to làm quan tài cho người quá cố thì phải trồng lại cho rừng từ năm đến mười cây khác.

Bản mường dân tộc Thái, đầu mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa xen, cuối mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa
pọng như nơi trú ngụ của linh hồn bản mường, bên cạnh mường có rừng là nghĩa địa của mường gọi là chiềng kẻo, hình ảnh đó như một biểu tượng ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Vài năm một lần, bản mường tổ chức cúng rừng – xên đông. Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc… Chính vì vậy rừng được bảo vệ từ trong ý thức của mỗi người, nhân văn và cao đẹp biết bao!

Ngày nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều khu rừng đầu nguồn bị tàn phá trầm trọng, những khu rừng thiêng cũng chịu chung số phận. Những già làng người Thái vô cùng lo sợ bị thần linh trừng phạt. Và rồi những đợt nắng hạn kéo dài làm cháy cả mùa màng, những cơn lũ quét, lũ ống ập về làm hại bao nhiêu tính mạng và của cải ở khắp nơi như: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái…

Nhìn dưới góc độ khoa học, những khu rừng thiêng chính là những khu rừng có giá trị bảo vệ đầu nguồn sinh thủy, tạo nên sự cân bằng sinh thái, là nơi bảo tồn những nguồn gien vô cùng quí hiếm cho đất nước và nhân loại, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Việc dần mất đi những khu rừng thiêng truyền thống đồng nghĩa với việc mất đi những khu rừng đầu nguồn sinh thủy, mất đi sự cân bằng sinh thái, mất đi những nguồn gien vô giá, đồng thời còn mất dần truyền thống văn hóa dân tộc vô cùng độc đáo đầy tính nhân văn.

Bởi vậy việc khôi phục, bảo vệ những cánh rừng thiêng của người Thái nói riêng và rừng đầu nguồn nói chung có một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường, mà còn góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, nâng cao ý thức cho mỗi người, cho muôn đời thế hệ.

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã rất coi trọng việc trồng cây gây rừng, đồng thời với việc ngăn chặn nạn phá rừng. Những người già vẫn bảo ban con cháu: Thần linh đã nguôi cơn tức giận rồi đó, hãy trồng thêm nhiều rừng nữa đi!

Cuối năm 2009, một hội thảo về vấn đề bảo vệ rừng thiêng của dân tộc Thái đã được tổ chức tại Yên Bái, nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất việc khôi phục và bảo tồn những khu rừng thiêng như một việc làm cấp thiết vừa góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn, vừa góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Những khu rừng thiêng của dân tộc Thái tuy có mang những yếu tố huyền bí, tâm linh, nhưng đằng sau sự thần thánh hóa ấy là thái độ trân trọng và bảo vệ rừng, vốn được xem như luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời.

Nguồn: Thiennhien.net

Leave A Reply

nineteen − twelve =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.