Ngân hàng Thế giới (World Bank) xác nhận đã chi trả đầy đủ 51,5 triệu USD cho Việt Nam vì các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ các bon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ các bon thông qua trồng và tái tạo rừng.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Các bon Lâm nghiệp (FCPF) của World Bank.
Khoản chi trả này đã được chuyển do Việt Nam giảm được 10,3 triệu tấn phát thải các bon trong giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến 31/12/2019. Theo World Bank, đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từ Quỹ FCPF cho các tín chỉ các bon.
Dự kiến khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho hơn 70.000 chủ rừng và gần 1.500 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, World Bank đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu tín chỉ các bon, ngoài số lượng hợp đồng đã thanh toán.
Nguyên nhân là do chương trình thực hiện tại vùng dự án đã tạo ra 16,2 triệu tín chỉ các bon trong giai đoạn 2018 – 2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong thỏa thuận chi trả giảm phát thải mà Việt Nam đã ký với Quỹ FCPF.
Việt Nam có thể bán số lượng tín chỉ các bon vượt trội này cho bên thứ ba thông qua các hiệp định song phương hoặc thị trường các bon. Một phương án khác, là Việt Nam sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho biết: “Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ các bon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia”.
Thống kê của Quỹ FCPF cho thấy, chương trình giảm phát thải của Việt Nam đã bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu ha đất trong khu vực thực hiện chương trình.
Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng và gần một phần ba dân số trong khu vực sống dưới mức nghèo của quốc gia.
Thông qua việc cải thiện quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường các chính sách nông nghiệp, chương trình giúp tăng cả phạm vi và chất lượng che phủ rừng với sự hợp tác của cộng đồng địa phương.
Được thành lập năm 2008, Quỹ FCPF đã hỗ trợ cho nhiều chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng ở các nước đang phát triển.
Nhóm hoạt động này, thường được gọi là REDD+, đã được Quỹ FCPF triển khai tại 47 quốc gia đang phát triển tại châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cùng 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.
Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường các bon cũng như khai thác các giá trị về đa dạng sinh học. Một trong số đó là rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.
So với rừng trên cạn, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon cao gấp 4 lần. Không những vậy, vùng đất ngập nước này còn nằm trên đường bay của chim di cư từ phương Bắc. Từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, nhiều loài chim quý hiếm như cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa, cò trắng Trung Quốc… lại tìm đến vùng đất nằm trên huyện Giao Thủy.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có hơn 10 kiểu sinh cảnh, nhưng có giá trị đa dạng sinh học cao nhất là các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên.