Xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch Việt Nam

0

Dự thảo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010- 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ hướng tới việc xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch Việt Nam.

Theo dự thảo (do Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng), vào năm 2015, cả nước sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 8.900 triệu USD. Đến năm 2020 con số này là 15.900 triệu USD. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành là 5,2% vào năm 2015 và 6% vào 2020.

Xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng

Để thu hút khách du lịch như mục tiêu đã đề ra, chiến lược phát triển sản phẩm – thị trường sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới: du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp…

Bên cạnh đó, vẫn duy trì khai thác các thị trường khách truyền thống là Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Việt kiều cùng các thị trường mới nổi như Nga, Ukraina, Belarus…. Song song với việc nghiên cứu thu hút khách từ các thị trường tiềm năng: Ấn Độ, châu Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông với các sản phẩm du lịch cao cấp.

Như vậy, tới đây, “hoạt động xúc tiến, quảng bá phải được xây dựng và tổ chức trên cơ sở kết quả nghiên cứu các thị trường. Chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như phát triển du lịch biển và ven biển, các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá, nhân văn…”, bà Nguyễn Thị Thanh
Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam) nhìn nhận.

Những hoạt động theo mục tiêu này đã diễn ra trong Năm Du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội. Theo đó, Hà Nội và các tỉnh miền Trung cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù về địa lý, tài nguyên, thị trường khách cũng như thể hiện được tính kết nối liên vùng hiệu quả giữa các địa phương, trong đó, các địa phương chú trọng xây dựng các chương trình, tuyến, điểm du lịch mang nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong nước và khu vực.

Xây dựng hệ thống các thương hiệu du lịch

Về phát triển thương hiệu, Chiến lược đặt ra mục tiêu tạo dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam và một số thương hiệu du lịch nổi bật được biết đến rộng rãi trong khu vực và trên thế giới. Đó là các thương hiệu: du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch vùng, điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch, thương hiệu doanh
nghiệp du lịch, các địa danh nổi tiếng…

Về phát triển du lịch theo vùng, sẽ thực hiện trên 7 vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, văn hoá, vùng địa lý, khí hậu và các hành lang kinh tế; trong đó có các địa bàn trọng điểm du lịch tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch.

Các vùng du lịch gồm: vùng trung du miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; vùng Trung Bộ; duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Tây Nam Bộ. Trong đầu tư phát triển du lịch, đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng
thương hiệu du lịch.

Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư hạ tầng cũng như vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi có tiềm năng du lịch. Chú trọng đầu tư cho thương hiệu du lịch quốc gia và các thương hiệu du lịch quan trọng; tăng cường cho xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực bậc cao.

Đặc biệt, tôn tạo tài nguyên du lịch, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả; quy hoạch phục hồi những công trình kiến trúc có giá trị, phát triển các bảo tàng và các công trình văn hoá lớn phục vụ tham quan du lịch.

Đầu tư hình thành, phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm: tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển, các khu nghỉ dưỡng núi, các khu du lịch tổng hợp, giải trí chuyên đề, kết hợp trung tâm thương mại, mua sắm, hội nghị hội thảo.

Nguồn: Chinhphu.vn

Leave A Reply

9 − eight =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.