Bám sát Nghị quyết 01 năm 2019 của Chính phủ để “bứt phá” trong công tác bảo vệ môi trường

0
Ngày 03 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Tới dự Hội nghị có các đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MTvà đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu là Lãnh đạo các đơn vị trong Bộ TN&MT, toàn thể các Lãnh đạo và cán bộ, công chức của Tổng cục Môi trường cùng nhiều phóng viên các báo, đài truyền hình đến đưa tin.
Khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu: Năm 2018, Tổng cục Môi trườngđã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đặt ra, trong đó có một số mục tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tốt dù còn gặp nhiều khó khăn do thay đổi cơ cấu tổ chức, kiện toàn tổ chức bộ máy…Công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, Lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đúng Quy chế làm việc của Bộ và các nhiệm vụ khác được phân công. Tỷ lệ văn bản chậm tiến độ, thủ tục hành chính chậm tiến độ đã giảm rõ rệt so với các năm trước cũng như giảm rõ rệt so với đầu năm. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt đã thực hiện tốt công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở, dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường, tạo bước chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Bám sát Nghị quyết 01 năm 2019 của Chính phủ để “bứt phá” trong công tác bảo vệ môi trường
Ngay sau phát biểu khai mạc của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Trần Hồng Hà chỉ đạo: Đây là Hội nghị quan trọng nhằm triển khai, đóng góp, xây dựng các nhiệm vụ năm 2019 mà Chính phủ giao, trong đó lĩnh vực môi trường đóng góp vai trò tham mưu giúp việc cho Bộ TN&MT triển khai công tác bảo vệ môi trường. Môi trường là một trong ba trụ cột quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Ngành môi trường đã được hình thành và phát triển, hoàn thiện về bộ máy nhân sự, có sự phát triển về chính sách, nhận thức và tư duy từ trung ương đến địa phương.
Trong các nghị quyết phát triển của đất nước luôn có vị trí xứng đáng dành cho ngành môi trường… Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong 9 lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường thì có lẽ lĩnh vực môi trường được quan tâm nhiều nhất. Nói như vậy để có thể thấy vị thế, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực này như thế nào và ngành môi trường làm gì để xứng đáng với sự quan tâm đó”. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đặt ra, Tổng cục Môi trường cần cùng nhau nhìn nhận lại suốt quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước để có thể có thể thấy rõ qua quá trình đó, công tác bảo vệ môi trường có những thuận lợi và khó khăn gì để xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới. Từng cá nhân phải hết sức thấu hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, hết sức thẳng thắn nhận thức rõ các tồn tại, vướng mắc để thấy được trọng trách, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao.
Tổng cục Môi trường cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ xem đâu là rào cản, cái gì là tồn tại, là yếu kém để thay đổi, đáp ứng phương châm 12 chữ mà Chính phủ đề ra trong năm 2019 đó là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Đối với ngành môi trường, bứt phá chính là vượt qua chính mình, là tăng tốc, là quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Môi trường bắt tay ngay vào công việc từ những ngày đầu của năm mới 2019. Phải đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến cuối năm 2019 và cùng lắm đến hết năm 2020, 100% các khu, cụm công nghiệp phải được kiểm soát về môi trường và phải chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu cần, Tổng cục Môi trường phải tham mưu Bộ trình Chính phủ cương quyết đóng cửa các khu/ cụm công nghiệp không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, yêu cầu Tổng cục Môi trường đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, quản lý nước thải; thực hiện tốt công tác bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hệ thống giám sát để xác định độ che phủ của rừng tự nhiên và hệ thống đa dạng sinh học theo chức năng nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.
Vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm là về rác thải đại dương, mà rác thải đại dương chính là rác thải từ đất liền thải ra. Vì vậy, cần xem lại công nghệ, cơ chế chính sách để xử lý chất thải rắn, nước thải và khí thải… ngay từ trong đất liền, trong đất liền. “Đã đến lúc chúng ta quản lý về môi trường là phải đảm bảo tất cả chất thải, nước thải, khí thải… thải ra môi trường phải có người chịu trách nhiệm và có người xử lý” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến việc thay đổi tư duy trong việc phân loại xử lý rác tại nguồn, Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc chúng ta không được nghĩ người dân không phân loại được rác thải tại nguồn mà quan trọng là cần phải trả lời Nhà nước đã làm gì? Doanh nghiệp đã làm gì mà người dân không phân loại rác thải tại nguồn được? Phải trả lời câu hỏi phân loại để làm gì?… Hay nói cách khác là phải tiếp cận từ quản trị, từ cơ chế xem nhà nước và người dân tham gia như thế nào?
Bộ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế chính sách để hạn chế và dần chấm dứt việc xử dụng, xả thải túi nilon ra môi trường.
Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, Bộ trưởng cho biết: Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, vì vậy, Tổng cục cần phải bắt tay vào làm ngay, phải xây dựng mục tiêu và kế hoạch triển khai chi tiết. Phải trả lời cho được hành động đối với kiểm soát ô nhiễm không khí thì nên như thế nào? Từ hành động rất nhỏ đó là kiểm soát ô nhiễm của các phương tiện giao thông, chúng ta xem xét đến bụi, rác ở đâu ra? Từ hoạt động của phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng hay hoạt động sản xuất… gây nên, tất cả phải được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự hội nghị “nhìn xa một chút” trong Thế giới kinh tế mở, tự do thương mại hóa với Hiệp định CPTPP và một số hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam tham gia. Nếu chúng ta cứ giữ tiêu chuẩn môi trường như hiện nay thì chúng ta sẽ trở thành nơi hốt rác và nhận rác từ thế giới. Vì thế, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải nhanh chóng nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường lên ngang tầm các nước tiên tiến Thế giới, nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, tương đồng để tháng 6 năm 2019 ban hành được quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường mới.
Trước khối công việc nặng nề đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 với phương châm hành động của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, phát triển”, bám sát theo chương trình hành động của Bộ TN&MT để thực hiện… Công tác tổ chức thực hiện phải hết sức cụ thể đối với từng lĩnh vực, phải có người làm, nếu trong Bộ không đủ thì Tổng cục mời thêm chuyên gia giỏi để cùng làm, đổi mới các thức chỉ đạo điều hành, cách thức hợp tác và hành động để hoàn thành các nhiệm vụ được giao…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc Hội nghị
Tổng cục Môi trường: Đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đặt ra
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết: Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Tổng cục đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng, trình ban hành các Nghị định, Thông tư, đề án nhằm tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội; phối hợp với địa phương thực hiệnChương trình mục tiêu xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.
Hệ thống tổ chức bộ máy của Tổng cục Môi trường đã được rà soát, đề xuất kiện toàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ xử lý, trả lời, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương, doanh nghiệp, thông qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm 2019, Tổng cục sẽ hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi một số điều của Bảo vệ môi trường năm 2014; triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2016. Lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia. Hoàn thiện kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản pháp luật năm 2019.
Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Kiểm soát chặt chẽ đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tổ chức thực hiện Đề án tổng thể BVMT môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Áp dụng hệ thống các tiêu chí môi trường sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư; ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Tăng cường vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân về ô nhiễm môi trường. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giới; có lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển. Ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2025 thu đủ chi phí thu gom, vận chuyển và đến năm 2050 bù đắp được 50% cho chi phí xử lý. Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn; thực hiện nghiêm, chặt chẽ việc thẩm định công nghệ trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn cấp trung ương và địa phương…

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức trình bày báo cáo tại Hội nghị
Tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Góp ý tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Bức tranh toàn cảnh về môi trường trong năm 2018 của Việt Nam đã xuất hiện nhiều gam màu sáng, khu vực, địa phương làm tốt về công tác bảo vệ môi trường dần mở rộng; khu vực, gam màu xám về môi trường đã được thu hẹp dần. Xuất hiện nhiều địa phương, vùng nông thôn, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ sinh thái, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế, thu hồi ngày càng tăng. Suy giảm chất lượng môi trường đã được kiềm chế, một số tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả. Nền kinh tế phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, công tác quản lý môi trường vẫn còn một số hạn chế do việc bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản chưa thật hợp lý, nguồn lực còn bị phân tán, chưa bảo đảm tính ưu tiên, tập trung, thống nhất. Thiếu kinh phí để triển khai Đề án được phân công dẫn đến việc khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu để hoàn thiện Đề án làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng theo Chương trình công tác đã đề ra, cụ thể như “Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn” mặc dù được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ và đã đề xuất nhiều lần nhưng không được Bộ Tài chính bố trí kinh phí.
Bên cạnh đó, năm 2018, Tổng cục Môi trường thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ mới, do đó gặp một số khó khăn khi xử lý công việc trong giai đoạn chuyển tiếp. Một số các văn bản của Bộ TN&MT triển khai tới các Tổng cục còn bị quá gấp về thời gian, thời gian luân chuyển văn bản còn kéo dài, thậm chí quá thời hạn dẫn đến chậm tiến độ xử lý công việc.

Kết luận Hội nghị, thống nhất với các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, bức tranh toàn cảnh về môi trường trong năm 2018 của Việt Nam đã xuất hiện nhiều gam màu sáng. Công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 dù giảm về số lượng nhưng đã tăng về chất lượng. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến căn bản, đã dần chuyển từ đối phó sang ý thức tự giác. Đồng thời Thứ trưởng đánh giá cao việc tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường .
Năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần tiếp tục phát huy, thực hiện các đợt thanh tra theo hình thức cuốn chiếu, xoay vòng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để không chồng chéo. Đồng thời, thành lập các tổ soạn thảo và có kế hoạch cụ thể triển khai các sửa đổi Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014, khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiến hành xây dựng ngay các văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo luật có thể được triển khai ngay sau khi có hiệu lực thi hành; tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để xây dựng, trình ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường một cách đồng bộ, có tính hệ thống và tương đồng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một số nước làm tốt môi trường trong khu vực cũng như quốc tế.
Tổng cục Môi trường phải tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường – lấy công tác phòng ngừa ô nhiễm là công tác quản lý chính, trọng tâm. Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tập trung giải quyết theo đúng lộ trình các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…
Nguồn: Cục bảo tồn đa dạng sinh học

Leave A Reply

eleven − 1 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.