Cần Giờ trồng rừng ngập mặn gắn với chứng chỉ carbon

0

Gieo ươm 500.000 cây quý hiếm

Tạm xa những khói bụi, ồn ào của phố thị, mỗi lần đến với huyện Cần Giờ, chúng tôi được hòa mình vào không gian thiên nhiên và cảnh sắc tươi đẹp, được tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về rừng ngập mặn Cần Giờ với muôn vàn điều thú vị.

Người dân Cần Giờ trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân Cần Giờ trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là huyện đảo duy nhất của TP.HCM, Cần Giờ được biết đến với rừng ngập mặn Cần Giờ – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận từ năm 2000. Rừng ngập mặn Cần Giờ có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng với TP.HCM. Nơi đây, được ví như “lá phổi” xanh của TP.HCM có tác dụng điều hòa môi trường, chống biến đổi khí hậu, chắn gió ngăn bão lũ như “một bức tường” vững chắc bảo vệ thành phố.

Ngoài ra, ở đây còn có hệ thống động, thực vật phong phú; có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với sông, rạch và biển, và là cái nôi sinh sản của các loại thủy hải sản.

Sau thời gian phục hồi hệ sinh thái, đến nay rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn giữ được vẻ hoang sơ, mảng xanh ở Cần Giờ được đảm bảo cho khả năng làm sạch và tái tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái cho một thành phố năng động, phát triển như TP.HCM, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hướng tới Net Zero.

Theo các chuyên gia, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao từ 4-10 lần so với rừng bình thường. Với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn được lãnh đạo TP.HCM và huyện Cần Giờ đặc biệt quan tâm, nhất là công tác trồng mới rừng đang được triển khai mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.

Cây cóc đỏ - loại cây quý hiếm đã và đang được ươm nuôi và trồng tại Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cây cóc đỏ – loại cây quý hiếm đã và đang được ươm nuôi và trồng tại Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên (Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) cho biết, để phục vụ công tác trồng rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, đơn vị tiến hành gieo ươm các loài cây quý hiếm, các loài cây có số lượng cá thể nhỏ phân bố rải rác trong rừng để tăng tính đa dạng sinh học.

Từ năm 2015 đến nay, vườn ươm thuộc phòng Quản lý phát triển tài nguyên (Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) đã gieo ươm gần 500.000 cây, trong đó có 5.000 cây cóc đỏ – là loài cây nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài việc duy trì nguồn giống, nguồn gene, đơn vị cũng chuẩn bị trồng rừng phục hồi đối với loại cây quý hiếm này, đồng thời trồng thêm các loài cây khác như cây sú vẹt, đước, cóc trắng… nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như tấm khiên chắn bảo vệ đất liền trước biến đổi khí hậu và các tình huống thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như tấm khiên chắn bảo vệ đất liền trước biến đổi khí hậu và các tình huống thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện rừng ngập mặn Cần Giờ có 35 loài cây ngập mặn, đây là một trong những nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Cần Giờ.

Nhờ phục hồi hệ sinh thái, thảm thực vật, đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ có 3 khu bảo tồn động vật gồm khu bảo tồn khỉ đuôi dài, khu bảo tồn dơi nghệ và khu bảo tồn chim nước. Hiện các đơn vị liên quan đang xây dựng các tour du lịch xem bướm, xem chim để thu hút khách du lịch đến với Cần Giờ.

“Theo quy định, tỷ lệ trồng rừng của chúng tôi luôn đảm bảo theo yêu cầu. Đối với những diện tích theo quy định của Bộ NN-PTNT thì nhiều diện tích chỉ cần trồng 50%, tức là tỷ lệ sống đạt 50% và phân bố đều đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, rừng Cần Giờ khi chúng tôi thực hiện các công trình, phần lớn đều đạt từ 80-90% trở lên.

Không phải là một ngày là có rừng, mà phải mất 5-6 năm. Có nhiều khu vực điều kiện khắc nghiệt, sau thời gian chúng tôi kiến thiết trồng rừng thì phải bảo vệ có khi tới 10 năm thì những diện tích đó mới thành rừng theo tiêu chuẩn quy định của nhà nước”, ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt nói.

Trồng mới 180ha rừng

TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết, năm 2024, đơn vị quản lý, bảo vệ, chăm sóc toàn diện trên 34.000 ha rừng và thực hiện chương trình trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng.

“Theo kế hoạch, trong năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức trồng mới trên 180 ha rừng và chăm sóc xúc tiến tái sinh tự nhiên 200 ha. Ngoài ra, tiếp tục chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016-2020 với diện tích 150 ha trên toàn bộ diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ”, TS Hoàn nói và cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà thành phố, huyện Cần Giờ giao là phải thực hiện tốt công tác trồng rừng gắn với chứng chỉ carbon bền vững.

Các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên giám sát, kiểm tra hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên giám sát, kiểm tra hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Huỳnh Đức Hoàn nhìn nhận, rừng Cần Giờ được xem là “bể carbon xanh” cực lớn, giá trị tín chỉ carbon được tính cao hơn 1,5-1,8 lần so với tín chỉ ở các loại rừng khác. Cần Giờ là nơi hấp thụ carbon và giảm lượng phát thải khí nhà kính duy nhất của TP.HCM. “Ước tính, lượng lưu trữ carbon hấp thụ trên mặt đất tại rừng Cần Giờ khoảng từ 3 – 3,5 lần, nếu tính toán hợp lý, đây sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường tín chỉ carbon”, ông Hoàn nói.

Đối với các diện tích hoang hóa khó phục hồi, TP.HCM đang nghiên cứu lập đề án, quy trình kỹ thuật để phục hồi toàn bộ theo chương trình “Cần Giờ xanh”, xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thông qua việc trồng rừng. Qua đó, thiết lập bức tường xanh vững chắc để bảo vệ môi trường cho TP.HCM và các địa phương lân cận.

Bên cạnh việc trồng mới, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phối hợp với các bên liên quan làm tốt công tác phòng chống cháy rừng theo phương châm “ba tại chỗ”, “5 sẵn sàng”. Theo đó, kết quả năm 2023 không để xảy ra cháy rừng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa nhận định, với tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hiện có, Cần Giờ là địa điểm lý tưởng phục vụ khách du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe… và cả nghiên cứu khoa học.

Mô hình du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) là điểm đến được ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) là điểm đến được ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cần Giờ còn có nhiều giá trị văn hóa bản địa với làng chài, các vùng nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, nước mặn. Đây là nơi mà cộng đồng dân cư sống lâu đời với các lễ hội đặc trưng với nền văn hóa nông – ngư nghiệp nằm trong một đô thị lớn như TP.HCM.

Với những lợi thế đó, Nghị quyết số 12 năm 2022 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xác định, năm 2030 huyện Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tầm khu vực. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái tại Cần Giờ gắn với định hướng trở thành mô hình đặc sắc bảo tồn sinh học, bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Theo TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, để xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển du lịch xanh, bên cạnh việc phục hồi rừng, trồng rừng thêm, đa dạng sinh học… thì phải giảm phát thải ra môi trường. Do vậy, cần nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, cộng đồng và cùng tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch sinh thái, các hoạt động xanh, giảm phát thải nhựa ra đại dương…

Leave A Reply

16 + seven =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.