Ngày 17/12/2018, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức “Diễn đàn đầu tư Lâm nghiệp: Luật mới – Cơ hội mới”. Diễn đàn có sự tham dự của các cơ quan nghiên cứu và xây dựng chính sách; đại diện một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Kế hoạch đầu tư một số tỉnh phía Nam, Tổ chức Tropenbos, đại diện Hội chủ rừng và các Hiệp hội chế biến gỗ và hơn 50 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ và các lĩnh vực phụ trợ; một số đại diện tổ chức quốc tế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển và Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, ông Điền Quang Hiệp chủ trì Hội nghị.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và xây dựng được các định hướng, giải pháp đẩu tư, phát triển ngành lâm nghiệp. Diễn đàn cũng được đánh giá là cơ hội để nhìn lại những kết quả đã đạt được, đánh giá những tồn tại hạn chế và đề xuất các định hướng, giải pháp để đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.
Tham luận tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ phần Gỗ Công nghiệp Quảng Nam cho rằng trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường thì rừng trồng nguyên liệu của nước ta đang dần phát triển đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Hùng cũng đánh giá, việc phát triển rừng trồng vẫn theo hướng tự phát do đó năng suất rừng và chất lượng gỗ còn thấp. Để đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp phát triển ông Hùng cho rằng bên cạnh cơ chế chính sách thì các doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, có giải pháp cụ thể về mô hình, chính sách liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị chế biến gỗ với người trồng rừng.
Cũng đề cập đến vấn đề nguồn nguyên liệu, đại biểu đến từ tổ chức Tropenbos cho rằng một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là thiếu hụt nguồn nguyên liệu có chứng chỉ, trong khi các doanh nghiệp còn manh mún, thiếu liên kết để tạo ra tính cạnh tranh. Điều này đặt ra vấn đề liên kết các thành phần trong chuỗi để tăng cường tính bền vững, tăng thêm giá trị gia tăng cho ngành gỗ Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Đại học Nông lâm Thái Nguyên cũng cho rằng, Nhà nước cũng cần tiếp tục đầu tư có trọng điểm, theo vùng đối với các chương trình giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ giống và tiến bộ kỹ thuật; tăng cường xã hội hoá về nghiên cứu và sản xuất giống, tăng cường kiểm soát giống cây lâm nghiệp cũng như thúc đẩy liên kết giữa các bên,… để tạo ra nguồn giống tốt, quyết định đến năng suất, chất lượng rừng trồng.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư vào ngành lâm nghiệp cũng được các đại biểu đề cập, thảo luận. Theo đại diện Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì Luật Lâm nghiệp với nhiều điểm mới đã mở ra hành lang pháp lý hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào ngành lâm nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ tốt hơn để nâng cao giá trị đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển đánh giá, so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã đánh dấu một bước tiến trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp. Lâm nghiệp được xác định là một ngành kinh tế – kỹ thuật, bao gồm các hoạt động từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy đầu tư trong lâm nghiệp cũng cần được định hướng điều chỉnh để thực hiện có hiệu quả Luật và phục vụ cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Ông Phạm Văn Điển cũng nhấn mạnh hệ thống văn bản pháp luật về lâm nghiệp được xây dựng và hoàn thiện một cách đồng bộ sẽ đồng thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Lâm nghiệp sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động quan lý và sản xuất lâm nghiệp trên toàn quốc.
Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp