Điểm báo ngày 16/7/2018

0

Phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ rừng tại Ba Vì, Hà Nội

Nhờ phát triển được nhiều loại cây dược liệu, hàng trăm hộ dân huyện Ba Vì, Hà Nội không chỉ làm giàu mà còn góp phần quan trọng bảo vệ rừng.

Tại nhiều địa phương trên cả nước, cây thuốc Nam ngày càng cạn kiệt bởi phong tục di canh, dư cư. Vì vậy, việc đưa loại cây này về trồng tại vườn của các hộ gia đình đã được cán bộ kiểm lâm huyện Ba Vì cùng chính quyền địa phương đưa ra và được người dân hướng ứng.

Ông Triệu Phú Đức, thôn Yên Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội nói: “Để bảo tồn được cây thuốc nam các đời sau, các hộ dân phải trồng và chăm sóc. Có những cây tôi có thế chiết cành về giâm, từ đó, nhiều người cũng làm theo”.

Gần 100 vị thuốc quý của người Dao đã có mặt ngay trong những khu vườn tự canh tác tại huyện Ba Vì. Tại đây, một làng nghề thuốc Nam đã được công nhận, đưa bản người Dao thoát nghèo và làm giàu. Nhờ phát triển dược liệu, hiện mỗi hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc từ bỏ tập tục du canh, du cư cũng đã xóa bỏ tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy.

Hiện Vườn quốc gia Ba Vì đang cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển nghề đông y, xây dựng thương hiệu thuốc Nam của người Dao. Mới đây, hơn 100 học sinh của xã cũng đã được cử đi đào tạo tại các trường y học cổ truyền nhằm tiếp tục phát triển giá trị cây dược liệu. (VTV ngày 15/7/2018)

http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/phat-trien-cay-duoc-lieu-gan-voi-bao-ve-rung-tai-ba-vi-ha-noi-20180715131615899.htm

Quản lý chặt giống cây lâm nghiệp

Là tỉnh có phong trào trồng rừng sản xuất mạnh nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định có đến hàng trăm cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp (GCLN) với sản lượng hàng trăm triệu cây giống/năm. Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp quản lỹ chặt các cơ sở này.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có 110.124ha rừng trồng, mỗi năm khai thác, trồng mới khoảng 8.500ha nhu cầu về cây giống lâm nghiệp là 25 triệu cây/năm, chủ yếu là keo lai. Trong những năm qua, cơ sở sản xuất GCLN mọc lên như nấm sau mưa.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định) cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 143 đơn vị sản xuất GCLN, mỗi năm sản xuất được khoảng 200 triệu cây giống, chủ yếu là keo lai giâm hom. Trong 143 đơn vị SXKD cây giống lâm nghiệp nói trên có 11 đơn vị có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và 132 cơ sở tư nhân (chiếm 93%), gồm 26 cty TNHH, 5 doanh nghiệp tư nhân và 102 cơ sở. Trong đó, có 3 đơn vị đầu tư công nghệ cao bằng phương pháp nuôi cấy mô, công suất sản xuất 20 triệu cây giống/năm.

Ngoài ra, một số đơn vị còn sản xuất các loài cây phục vụ cho trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, như; Sao đen phi lao, thông Caribe, keo lá tràm. Tính đến tháng 7/2018, các cơ sở sản xuất GCLN trên địa bàn Bình Định đã sản xuất được 91 triệu cây giống các loại.

Điều đáng lo ngọi là ngoài những cơ sở sản xuất GCLN “chính danh”, được cơ quan chức năng cấp phép còn có nhiều cơ sở sản xuất GCLN “chui”. Và tất nhiên, chất lượng cây giống đưọc sx từ những cơ sở ‘chui’ này khó được đàm bảo. Thực tế này đã đăt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng cây giống.

Theo thống kê của ngành chức năng, bên cạnh các cơ sở sản xuất GCLN quy mô lớn được cơ quan chức năng cấp phép; trên địa bàn Bình Định còn nhiều cơ sở sản xuất GCLN có quy mô nhỏ hộ gia đình, công suất 200 – 300 ngàn cây giống/năm, chua được quản lý. Hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ chưa đuợc kiểm soát chất lượng nguồn gốc giống chặt chẽ và các quy trình sản xuất chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, việc quán lý, nâng cao chất lượng GCLN được ngành chức năng đặt làm nhiệm vụ quan trọn hàng đầu.

Để đảm bảo quyền lợi cho người trồng rừng, góp phần ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng và thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý GCLN ban hành kèm theo QĐ số 89/2005/QĐ-BNNPTNT ngày 29/12/2005 của Bộ NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời thông tin về các cơ sở, đơn vị SXKD GCLN chất lượng cao trên trang thông tin điện tử của ngành nông nghiệp để người trồng rừng chọn mua.

Chi cục Kiểm lâm Bình Định còn thường xuyên phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác SXKD GCLN trên địa bàn. Đối với cây keo lai và bạch đàn sản xuất bằng phương pháp giâm hom, tè năm 2011, Sở NN-PTNT Bình Định đã yêu cầu các đơn vị SXKD sử dụng cây giống nuôi cấy mô để trồng vườn cung cấp hom nhằm nâng cao chất lượng giống.

Riêng tử đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho kiểm lâm địa bàn về công tác kiểm tra giám sát SXKD GCLN và giao nhiệm vụ cho các Hạt Kiểm lâm thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD GCLN tại địa phương với tổng số người tham gia là 181 người. (Nông Nghiệp Việt Nam 16/7, tr6) Về đầu trang

https://nongnghiep.vn/quan-ly-chat-giong-cay-lam-nghiep-post222636.html

 

Giảm thiệt hại do mưa lũ khu vực miền núi: Cần giải pháp tổng thể

Hiện nay, người dân các tỉnh Tây Bắc đang từng bước ổn định cuộc sống sau đợt lũ lụt, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn cuối tháng 6 vừa qua. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến hết sức bất thường. Vì thế, để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cần phải xây dựng kế hoạch tổng thể từ việc bố trí, sắp xếp dân cư, ứng dụng khoa học kỹ thuật chủ động phát hiện, cảnh báo sớm đến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống thiên tai (PCTT)…

Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lượng mưa trong 3 ngày (từ 23 đến 26-6) tại khu vực miền núi phía Bắc phổ biến từ 100mm đến 150mm, gây ra tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều địa phương, như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang)… Mưa lũ trên các tỉnh Tây Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích và 16 người bị thương; làm 160 ngôi nhà bị sập đổ, gần 1.000 nhà bị hư hỏng, khoảng 1.600ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết, nhiều héc-ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ bị hư hỏng… Tổng thiệt hại của đợt mưa lũ vừa qua ước tính gần 460 tỷ đồng.

Quá trình tìm hiểu tại tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết: Hằng năm, địa phương đều có kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trên toàn tỉnh; phổ biến, cảnh báo người dân trên địa bàn nhằm hạn chế thiệt hại từ thiên tai. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có dự báo, cảnh báo nguy cơ mưa to và vùng sạt lở. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, người dân thường canh tác thâm canh theo mùa ở địa bàn vùng sâu nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do phong tục, tập quán nên nhiều bản làng được xây dựng ven các dòng suối và đồng bào còn chủ quan khi có mưa lũ. Thậm chí, có những thôn, bản chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, nhưng vì nhiều lý do, chính các hộ dân lại không muốn di chuyển. Theo khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng, trên khu vực Tây Bắc hiện nay, hiện tượng sạt lở đất không chỉ xảy ra tại những vùng có người dân sinh sống, canh tác mà cả những khu vực rừng nguyên sinh. Thời gian tới, Tổng cục PCTT cảnh báo: Mưa trái mùa có thể diễn ra trên diện rộng, tần suất lớn và kéo dài nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phạm vi rộng là rất lớn, đặc biệt ở một số khu vực của tỉnh Lai Châu…

Theo Đại tá Hà Thọ Khương, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tham mưu Quân khu 2: Để phòng, chống lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các tỉnh cần có kế hoạch sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kỹ năng ứng phó cho người dân, ứng dụng khoa học vào công tác cảnh báo, như lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm tại những vùng có nguy cơ hoặc thường xuyên có sạt lở, lũ quét; xây dựng các công trình phòng, chống lũ…

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; khảo sát, kiểm tra, đánh giá và dự báo khả năng gây ngập lụt của nhà máy thủy điện, khu vực đập nước, ao hồ; tăng cường kiểm tra, đánh giá đúng các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở, nhận định đúng nguyên nhân gây ngập úng cục bộ tại những địa bàn trọng điểm hay xảy ra mưa, lũ, nhất là những tuyến quốc lộ để chuẩn bị giải pháp xử lý. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát kỹ những khu vực dân cư, đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của mưa lũ tới khu vực dân cư đang sinh sống, để xây dựng kế hoạch tổng thể về bố trí dân cư, bảo đảm vừa có tính dự báo về nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm độ an toàn trên thực địa, mục đích là sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hướng thuận lợi, an toàn, bền vững… (Quân Đội Nhân Dân Online 14/7) Về đầu trang

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-giai-phap-tong-the-544043 ./.

 

Hiệu quả từ liên doanh, liên kết trồng rừng ở Tuyên Quang

Việc liên doanh, liên kết trồng rừng giúp Công ty CP nguyên liệu giấy An Hòa luôn bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất.

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trong trồng rừng giữa các công ty lâm nghiệp với người dân, đã và đang mang lại lợi ích thiết thực. Cuộc sống của người trồng rừng tại địa phương được cải thiện rõ rệt nhờ hiệu quả của mô hình này.

Thực hiện chính sách phát triển rừng, ổn định vùng nguyên liệu giấy trên địa bàn nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy, từ năm 2016, Công ty cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa đã thực hiện chương trình cung cấp cây giống miễn phí để người dân trồng và phát triển rừng. Sau hai năm triển khai thực hiện, công ty đã hỗ trợ hơn 5,3 triệu cây giống cho 1.300 hộ dân tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn tham gia trồng rừng với tổng diện tích rừng được trồng mới lên tới 3.250 ha. Ngoài hỗ trợ cây giống, công ty còn hỗ trợ người dân toàn bộ chi phí thiết kế kỹ thuật và cử cán bộ phối hợp UBND các xã, trưởng các thôn, bản tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy. Anh Vũ Văn Xuân, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, vụ trồng rừng năm 2017, gia đình được Công ty cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa hỗ trợ hơn 20 nghìn cây keo giống trị giá hơn 23 triệu đồng để trồng chín héc-ta rừng. Do nguồn cây giống bảo đảm, được trồng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần một năm, toàn bộ chín héc-ta rừng của gia đình đang phát triển tốt…

Ngoài chương trình hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người trồng rừng, những năm qua, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện nhiều hình thức liên doanh, liên kết với công nhân, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong đó có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình đang có hơn 1.250 ha rừng liên kết với công nhân và các hộ dân ở địa bàn sáu xã của huyện Yên Sơn. Ðây là một trong năm công ty đang thực hiện mô hình liên kết với người dân trồng rừng… Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Triệu Ðăng Khoa cho biết, lợi ích của việc liên kết giữa các nhóm hộ, hộ gia đình với các công ty mang lại nhiều lợi ích. Trước đây, chỉ có một đơn vị thu mua, cho nên người dân không có sự lựa chọn. Hiện nay, khi thực hiện liên kết theo chuỗi đã có nhiều sự lựa chọn, đem lại hiệu quả kinh tế mà người dân được hưởng lợi đầu tiên…

Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng cao, luôn duy trì ở mức hơn 60%. Năm 2017, toàn tỉnh Tuyên Quang có 9.750 ha rừng trồng đến tuổi khai thác với sản lượng đạt hơn 844.000 m3. Kinh tế rừng đang dần khẳng định được vai trò và thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân Tuyên Quang. Chính sách hỗ trợ cây giống trồng rừng và liên doanh, liên kết trồng rừng giữa công ty và người dân đã góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài, bền vững với rừng. (Nhân Dân Online 15/7; Nhân Dân 15/7, tr4) Về đầu trang

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37010402-hieu-qua-tu-lien-doanh-lien-ket-trong-rung-o-tuyen-quang.html

 

Đồng Nai: Làm giàu rừng nghèo tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai 

Hơn 10.000 m2 rừng nghèo tại Khu Dự Trữ Sinh Quyển Đồng Nai vừa được làm giàu bằng cách trồng thêm 500 cây thuộc 5 loài cây bản địa gồm cây gỗ và cây làm thức ăn cho động vật hoang dã, vào ngày 14.7.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong Chương trình trồng và giám sát rừng của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia. Hoạt động trồng rừng này có sự hợp tác của Khu Dự trữ Sinh Quyển Thế giới Đồng Nai và công ty EXO Travel.

Người trồng rừng được tự tay điều tra, đánh giá hiện trạng khu rừng trước khi trồng, và liên tục 4 năm sau khi trồng nhằm thấy rõ tác động đến môi trường và hệ sinh thái mà khu rừng mang lại. Các hoạt động đánh giá chất lượng rừng, bao gồm: kiểm đếm số loài động, thực vật, đánh giá mức độ sinh trưởng, tầng tán rừng và chụp ảnh giám sát thảm thực vật.

Hoạt động trồng rừng này nhằm tăng mức độ đa dạng sinh học của khu rừng, qua đó cải thiện các giá trị sinh thái như tạo môi trường sống cho các  loài động vật hoang dã quý hiếm, điều hoà không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khu rừng cũng sẽ được chăm sóc liên tục trong 4 năm để đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng.

Khu rừng mới được làm giàu này được kỳ vọng sẽ cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Voi Châu á, Bò tót, Hồng hoàng…

Năm 2010, bảy cá thể Voi châu á tại tỉnh Đồng Nai đã bị đầu độc chết. Do không kiếm đủ thức ăn trong rừng, Voi phải ra khu vực nương rẫy kiếm ăn, chúng phá hoại mùa vụ của người dân và bị đầu độc chết. Ngày 11.7 vừa qua, 4 cá thể Voi hoang dã vẫn tiếp tục ra kiếm ăn tại khu vực nương rẫy của người dân địa phương.

Hiện nay toàn Việt Nam, chỉ còn không quá 50 cá thể Voi ngoài thiên nhiên, trong đó khoảng 11-14 cá thể đang sinh sống tại Khu Dự Trữ Sinh Quyển Đồng Nai.

Sau câu chuyện gây chấn động dư luận Việt Nam vào năm 2010, một hàng rào điện tử đã được lắp đặt tại Khu Dự trữ Sinh Quyển Đồng Nai nhằm ngăn không cho đàn Voi tiếp tục ra ngoài khu dân cư. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp triệt để. Giải pháp lâu dài cần hướng tới là tạo môi trường sống an toàn, phù hợp với đàn Voi ngay tại Khu Dự trữ Sinh Quyển Đồng Nai. Trồng và phục hồi rừng là một trong những giải pháp.

Thống kê đến ngày 31.12.2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng.

Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.   (Nguoidothi.net.vn 15/7) Về đầu trang

http://nguoidothi.net.vn/dong-nai-lam-giau-rung-ngheo-tai-khu-du-tru-sinh-quyen-dong-nai-14439.html

 

 

Đồng Tháp: “Bảo tồn đa dạng sinh học Khu Ramsar Tràm Chim”

Đó là chủ đề cuộc hội thảo sẽ diễn ra ngày 19.7 tại thành phố Cao Lãnh, (Đồng Tháp) do UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) phối hợp tổ chức.

Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung chính: Tình trạng quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim trong thời gian vừa qua và những vấn đề cần khắc phục; tình trạng quần thể của sếu đầu đỏ – nhu cầu sinh cảnh của loài; các hệ sinh thái và đa dạng sinh học quan trọng trong khu vực vườn Quốc gia Tràm Chim; vai trò quản lý thủy văn đe bảo vệ các hệ sinh thái và các loài sếu trong khu vực Vườn Quoc gia Tràm Chim… (Lao Động 16/7, tr3) Về đầu trang

Voi nhà thoát cảnh xiềng xích

Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) vừa ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi với Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Animals Asia sẽ hỗ trợ 65.000 USD trong thời gian 5 năm để thực hiện mô hình du lịch thân thiện.

Theo đó, 2 bên đã cam kết chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi thông thường tại VQG Yók Đôn sang mô hình du lịch đưa du khách đến tìm hiểu vẻ đẹp, đặc tính, hành vi tự nhiên của voi, giảm tối đa các hoạt động tương tác chạm, tiếp xúc trực tiếp với voi. Voi được phép di chuyển tự do trong rừng không bị xích chân kể cả khi không có du khách. Hai bên cũng cam kết không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.

Ngoài đầu tư trực tiếp 65.000 USD trong thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2023, Animals Asia còn cử cán bộ, chuyên gia hỗ trợ VQG Yók Đôn xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình du lịch thân thiện với voi, quảng bá mô hình du lịch mới đến cộng đồng quốc tế.

Ông David Neale, Giám đốc phúc lợi động vật Animals Asia, cho biết xu hướng trên thế giới đang chuyển dần du lịch thân thiện hơn với môi trường. Tại Việt Nam, VQG Yók Đôn là đơn vị đầu tiên cam kết chuyển đổi mô hình sử dụng du lịch cưỡi voi thông thường sang một mô hình mới, ngắm những cá thể voi tự do di chuyển, thể hiện hành vi trong môi trường tự nhiên.

Theo ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, hiện vườn đang quản lý 3 cá thể voi nhà trong tuần tra và phát triển du lịch sinh thái. Mô hình du lịch mới này sẽ góp phần mang lại lợi ích cho voi, chủ voi, nài voi (người quản lý voi – PV) và cộng đồng địa phương. VQG Yók Đôn đang xây dựng mô hình du lịch theo hình thức thả voi vào môi trường tự nhiên, du khách sẽ được nài voi đưa đi tìm kiếm voi từ các dấu vết để lại, tìm hiểu tập quán sinh sống của voi và thả mình vào thiên nhiên thơ mộng của VQG Yók Đôn.

Đắk Lắk hiện có 45 con voi nhà và hầu hết đang phải phục vụ du lịch làm ảnh hưởng đến sức khỏe voi và công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm. Tại các trung tâm du lịch lớn ở huyện Buôn Đôn hay huyện Lắk, hằng ngày voi phải chở du khách băng sông từ sáng đến chiều.

Ông Y Mưh Byă, gắn bó với voi Buôn Khăm (48 tuổi) từ năm 1990 đến nay. Ông xót xa trước cảnh Buôn Khăm suốt ngày phải phục vụ du lịch cưỡi voi nhưng không còn cách nào khác. Những lúc Buôn Khăm ốm, ông phải mắc võng ngủ giữa rừng để quan sát, chăm sóc voi như một thành viên trong gia đình. Ông Y Mưh Byă tâm sự: “Trước 8 giờ hằng ngày, Buôn Khăm đã phải tập trung tại trung tâm du lịch để đưa đón khách. Đến chiều, khi không còn khách, Buôn Khăm mới được đưa về rừng trong tình trạng xích chân nên không thể kiếm ăn thoải mái. Tới đây, Buôn Khăm không còn cảnh xiềng xích, tự do kiếm ăn trong tự nhiên khiến mình vui lắm”.

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết: “Thái Lan đã thực hiện mô hình này rất hiệu quả. Tại Đắk Lắk, du khách nước ngoài và một phần du khách trong nước cũng bắt đầu hiểu và yêu quý loài voi nên họ không thích cưỡi voi mà thích ngắm nhìn. Trung tâm cũng đã làm việc với từng chủ voi và họ rất tán thành mô hình du lịch không cưỡi voi nên sẽ tiếp tục kêu gọi tài trợ để hỗ trợ trong thời gian đầu chuyển đổi”. (Người Lao Động 16/7, tr3; Người Lao Động Online 16/7; Nông Nghiệp Việt Nam 16/7, tr2; Tuổi Trẻ 16/7, tr18; Giao Thông 16/7, tr13; Sài Gòn Giải Phóng 15/7, tr7) Về đầu trang.

https://nld.com.vn/thoi-su/voi-nha-thoat-canh-xieng-xich-2018071523361494.htm

Giải pháp trồng rừng ở Lào Cai

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, trong năm 2017, ngành lâm nghiệp đã chuẩn bị được 50.259 nghìn cây giống các loại, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng năm; công tác trồng rừng tập trung được 8.450 ha, đạt 118,2% kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.543 tỷ đồng.

Năm 2018, ngành lâm nghiệp Lào Cai phấn đấu trồng hơn 6.000 ha cây lâm nghiệp. Đến hết tháng 6/2018, đã trồng mới được 3.570,3 ha, đạt 59,5% so kế hoạch gồm: Rừng phòng hộ, đặc dụng 13 ha, sản xuất 2.272,9 ha, trồng lại rừng 1.103,9 ha và dân tự trồng 180,5 ha. Bên cạnh đó, các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế – xã hội đã được thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng lên… Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chi phí cho công tác quản lý và bảo vệ rừng còn thấp nên chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh Lào Cai đã sử dụng các biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước có chung đường biên giới nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản hiệu quả, chặt chẽ. (Tài Nguyên & Môi Trường Online 15/7) Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/giai-phap-trong-rung-o-lao-cai-1255794.html

 

Người quyết không đổi rừng lấy nhà

Được giao rừng để phát triển sản xuất nhưng gần 30 năm qua vẫn có những người bền bỉ, kiên trì giữ gìn hàng chục héc ta rừng và bảo vệ rừng trước thiên tai, lâm tặc.Với cách sản xuất nông lâm kết hợp, khoanh nuôi rừng tái sinh, hiện khu rừng đó không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

Được nhận 30 ha rừng sản xuất và khai thác có kế hoạch từ năm 1992 để phát triển kinh tế nhưng ông Triệu Tài Cao, 78 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, đến nay vẫn không khai thác để trồng rừng sản xuất mà giữ lại cho phát triển tự nhiên. Hàng chục héc ta này ông vẫn khoanh nuôi, tái sinh hàng nghìn cây lim xanh, tràm, sến, táu…. Ông chỉ bảo vệ mà không làm gì tác động đến mảnh rừng mà coi như tài sản để dành cho con cháu.

Để tăng thu nhập cho gia đình, gần đây gia đình ông Triệu Tài Cao có đưa thêm các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích, vôi tía, trầm gió… trồng thêm dưới tán rừng trên 3 ha. Sau từ 2-3 năm, thu nhập gia đình ông từ việc thu hoạch cây trám, nhựa trám và một số loại dược liệu khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập này chỉ giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Đây là cách làm dù không đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng sẽ ổn định, bền vững hơn.

Trong khi đó, các hộ dân trong vùng sau khi được giao rừng đã chuyển đổi ngay sang trồng keo. Với loại cây này chỉ sau 4-5 năm, người dân sẽ có ngay khoản thu 100 triệu đồng/ha và đây sẽ là khoản lớn để các hộ có thể đầu tư nâng cấp nhà cửa.

Đến giờ, nhiều người vẫn ngỡ ngàng tại sao ông Cao vẫn đi theo con đường giữ rừng, không đầu tư trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế trong khi gia đình không phải là khá giả. Ngôi nhà ông Tài đang ở được gây dựng từ năm 1968 nhưng ông vẫn quyết tâm không đổi rừng lấy nhà.

Anh Triệu Tiến Trìu, con của ông cho biết, việc giữ được rừng nguyên sinh như hiện nay gia đình cũng rất khó khăn, vất vả, bởi vừa phải lo bảo vệ rừng vừa phải lo trang trải kinh tế gia đình. Trước đây, các cây dược liệu trong rừng rất sẵn nhưng giờ cũng trở nên hiếm. Nhiều hộ cũng vì thế mà chuyển đổi sang trồng keo, để có hiệu quả kinh tế nhanh.

Tuy nhiên, gia đình ông vẫn xác định, giữ rừng cho tự nhiên và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu gia đình ông cũng chạy theo lợi ích trước mắt thì giờ rất khó còn những mảnh rừng sản xuất nhưng lại rất tự nhiên như hiện nay. Khoảng rừng của ông hiện có nhiều cây lim với kích thước lớn có đường kính từ 1 – 2 người ôm trải trên diện tích rộng nên áp lực bảo vệ cũng rất lớn đối với gia đình ông.

Giữ một cánh rừng lớn và tự nhiên như vậy, nhưng gia đình ông chưa nhận được hỗ trợ gì từ các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của nhà nước, ngoại trừ tỉnh Quảng Ninh có hỗ trợ một phần nhỏ cây giống.

Để phát huy kinh tế rừng, anh Triệu Tiến Trìu mong muốn được hỗ trợ về vốn đầu tư, cây giống, kỹ thuật trồng và đặc biệt là cách phòng trừ sâu bệnh. Gia đình tự gây một số diện tích trầm nhưng cứ đến mùa hè là sâu bệnh hại hoành hành khiến cây không thể phát triển được.

“Rất may là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đang phát triển mạnh “mỗi làng một sản phẩm” nên sắp tới nhiều sản phẩm dược liệu sẽ được huyện thẩm định đưa vào phát triển theo mô hình này. Hiện huyện đang thẩm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu “Trà hoa vàng””, anh Trìu cho biết.

Hiện nay, nhiều loại dược liệu dưới tán rừng của ông Cao được rất nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình chưa đồng ý vì muốn để thêm thời gian, sản phẩm có thêm chất lượng cao hơn. Nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng nên những người bảo vệ và phát triển rừng như ông Triệu Tài Cao có thêm sinh kế hàng ngày.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Bí thư xã Tân Dân cho biết, đây được xem là mô hình tiêu biểu của địa phương, huyện, thậm chí đối với cá nhân thì đây còn là mô hình của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm mô hình của ông Cao, bởi tỉnh đang hướng tới phát triển bảo vệ môi trường tự nhiên.

Xã Tân Dân cũng đang hỗ trợ ông phát triển những cây dược liệu dưới tán rừng để giữ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh này. Cùng với đó là tìm hướng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư dịch vụ nhằm giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập để tiếp tục giữ rừng, phát triển tài nguyên tự nhiên cho con cháu.

Theo ông Đỗ Quyết Tiến, việc khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được khoản kinh phí hỗ trợ của nhà nước nếu là rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên được giao cho sản xuất là không có. Hiện nhà nước có hỗ trợ trồng cây gỗ lớn để vận động nhân dân thay đổi nhận thức, thay đổi cây keo bằng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chính sách chỉ hỗ trợ với diện tích trên 3 ha, nhưng xã hầu như không có gia đình nào có diện tích này. Các chính sách như hỗ trợ cây giống, chỉ 10 triệu đồng/ha nên không đủ khuyến khích, thu hút được người dân.

Xã Tân Dân cũng có rừng phòng hộ với trên 5 ha. Xã mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách để người dân được phát triển cây dược liệu dưới tán rừng giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Đỗ Quyết Tiến kiến nghị.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những mô hình bảo vệ và phát triển rừng như của ông Triệu Tài Cao hay việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng… đang được Tổng cục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khi Luật Lâm nghiệp mới được thực thi (TTXVN/Bnews.vn 15/7) Về đầu trang

http://bnews.vn/nguoi-quyet-khong-doi-rung-lay-nha/90513.html

Leave A Reply

sixteen + 3 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.