Giữ nguyên 12.500ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

0

Bảo tồn nguyên vẹn diện tích cũ

Sáng 23/8, tại huyện Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Ranh giới, vị trí, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập tại Quyết định số 1357 ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh Thái Bình.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được giữ nguyên vẹn diện tích 12.500ha. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được giữ nguyên vẹn diện tích 12.500ha. Ảnh: Kiên Trung.

Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ; phía nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ; phía tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía đông giáp với Biển Đông.

Ranh giới Khu bảo tồn được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774 ha. Vùng đệm của Khu bảo tồn có diện tích 3.446,5 ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000 m tính từ ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Tiền Hải, bảo tồn loài – sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững, bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết.

Cam kết “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, quan điểm xuyên suốt của địa phương trong thực hiện các mục tiêu phát triển là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Địa phương cũng cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước qua việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, đồng thời tập trung, chú trọng dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu bảo tồn.

Ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - người từng ký quyết định điều chuyển, giảm diện tích Khu bảo tồn này còn 1.320ha, giảm xuống gần 10 lần - cam kết: 'Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường'. Ảnh: KT.

Ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – người từng ký quyết định điều chuyển, giảm diện tích Khu bảo tồn này còn 1.320ha, giảm xuống gần 10 lần – cam kết: “Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”. Ảnh: KT.

UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT quản lý, chỉ đạo trực tiếp Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình. Các sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ Ban quản lý Khu bảo tồn thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu của Khu bảo tồn; phối hợp và hỗ trợ Ban quản lý Khu bảo tồn quản lý khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học ở khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, các nguồn lực, các chương trình dự án, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước cùng doanh nghiệp, người dân chung tay bảo tồn các Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại Thái Bình.

Thời điểm tháng 4/2023, Thái Bình từng có ý định điều chuyển rừng đặc dụng ven biển làm dự án khu đô thị dẫn tới việc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải bị điều chỉnh diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha. Khi đó, cũng chính ông Lại Văn Hoàn đã thay mặt UBND tỉnh ký Quyết định số 731 ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu vực rừng đặc dụng ven biển tại ba xã ven biển là Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).

Một góc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Một góc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Theo Quyết định 731, khu rừng đặc dụng nói trên có diện tích là 1.320ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn 632ha; diện tích chưa có rừng là 688ha, thuộc vùng ngoài đê của ba xã Nam Phú – Nam Hưng – Nam Thịnh.

Như vậy, so sánh quy mô diện tích Thái Bình vừa điều chỉnh, khu rừng ngập mặn (hay còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải) chỉ còn chiếm gần 1/10 so với quy mô ban đầu.

Sau khi báo chí thông tin sự việc và dư luận có ý kiến về sự việc, tại Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đã phải giữ lại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với diện tích 12.500ha.

Quy hoạch đề ra phương án bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả vùng đất ngập nước, bảo đảm việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường và phát huy sự đa dạng của các hệ sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có diện tích khoảng 6.560ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 8 của huyện Thái Thụy. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích dự kiến khoảng 12.500ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 5, đê biển số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải.

Thái Bình khẳng định cam kết 'không đánh đổi kinh tế lấy môi trường'. Ảnh: Kiên Trung.

Thái Bình khẳng định cam kết “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”. Ảnh: Kiên Trung.

Quyết định cũng đưa Khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải vào phân vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, quy hoạch đặt ra nhiệm vụ xây dựng đề án nghiên cứu thảm thực vật ven cửa sông và quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung; Kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngập mặn ven biển sang mục đích khác; Thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng; Giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.

Leave A Reply

14 + 16 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.