Hội nghị Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

0

Đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” và “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trên thị trường thế giới”. Đây là hai trong số các giải pháp quan trọng nhất được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham gia hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” thống nhất thông qua vào sáng nay (08/08/2018) tại TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo về ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:  Trong vòng 10 năm qua nước ta đã hình thành và phát triển một ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản lớn mạnh cả về quy mô và trình độ công nghệ, thu hút được đông đảo lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn miền núi. Ngành này cũng đã tạo ra được lượng hàng hóa đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại đáp ứng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường thế giới; năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 8,032 tỷ USD; tăng 10% so với năm 2016, tỷ lệ xuất siêu trên 70% và giá trị gia tăng trên 40%, vượt mục tiêu của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành nông lâm thủy sản. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Song song với sự lớn mạnh của ngành Công nghiệp chế biến gỗ, ngành Lâm nghiệp cũng có những bước phát triển vượt bậc khi nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng khai thác đã thay thế cho gỗ rừng tự nhiên trong nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu chế biến gỗ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong giai đoạn từ 2007-2017, sản lượng khai thác gỗ trong nước tăng trưởng ổn định, bình quân hơn 10%/năm. Xét về tỷ trọng sử dụng gỗ nhập khẩu trong sản xuất, đã có sự thay đổi đáng kể; trong giai đoạn trước năm 2010, lượng gỗ nhập khẩu trong chế biến luôn chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thì đến năm 2017, lượng gỗ nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nguyên liệu của sản xuất. Bên cạnh đó, việc hình thành một số mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng nguyên liệu đã giúp người nông dân, doanh nghiệp một mặt thu về hiệu quả kinh tế cao, mặt khác vẫn đảm bảo mục đích bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Một vấn đề rất quan trọng nữa là các chủ trương, chính sách, hướng dẫn cụ thể về ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản cũng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành rất kịp thời đã có tác động tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến lâm sản phát triển ổn định, như:  Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nay được thay thế bởi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP ngày 09/06/ 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ áp dụng mức thuế xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ  ở mức 25% và nhập khẩu là 0% giúp hạn chế việc xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Chính  phủ về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; …

Song, báo cáo tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại cần phải khắc phục sớm như: Chất lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước còn chưa cao, lượng gỗ có nguồn gốc, chứng chỉ còn thấp; chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng đúng mức. Đa số các doanh nghiệp vẫn đang là đơn vị gia công, làm theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ chưa phát triển, vẫn phải nhập khẩu các vật liệu phụ trợ…

Trước những vấn đề đó, chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe ý kiến tham luận của các đại biểu về định hướng, giải pháp cho các vấn đề nêu trên và trực tiếp đưa ra các giải pháp cụ thể. Giải pháp đầu tiên là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ,… đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng tốt cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Tiếp đó, cần chú trọng đổi mới công nghệ chế biến gỗ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao tay nghề đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ trên thị trường thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trước khi khép lại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh lần nữa: ”Ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành kinh tế dân sinh, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền toàn diện để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh doanh hợp pháp và bền vững.”

Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp

Leave A Reply

two × one =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.