Ngày 19/8, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành – ICISE Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Đại học Loyola (Chicago, Mỹ) và Hội Địa lý toàn cầu tổ chức hội thảo quốc tế “Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục.”
Giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cho biết hội thảo bàn về các biện pháp thúc đẩy Đề án “Giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương qua phương thức giáo dục ở Việt Nam,” trong đó điểm nhấn là tập huấn cho các giáo viên và học sinh các cách thức hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Bình Định là tỉnh đầu tiên của cả nước được lựa chọn làm mô hình thí điểm đề án này.
Theo giáo sư Trần Thanh Vân, sự phát triển nhanh về kinh tế và công nghiệp của Việt Nam gần đây đã giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, vấn đề môi trường của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn.
Môi trường ở một số vùng, miền ở nông thôn, thành thị của Việt Nam đang bị ô nhiễm và có chiều hướng gia tăng cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị.
Ngoài sự ô nhiễm do phát thải từ công nghiệp, ô nhiễm do rác thải và chất thải từ gia đình cũng không kém phần quan trọng.
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là ô nhiễm rác thải nhựa từ việc sử dụng các vật liệu nhựa sử dụng một lần…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tham gia tích cực đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm rác thải nhựa.
Với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển.
Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa; giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo Chương trình phối hợp về Công tác bảo vệ môi trường giữa 2 bộ giai đoạn 2019-2025, với mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã kêu gọi các cơ quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa.
Giáo sư Hoàng Chung Thẩm (Đại học Loyola) cho rằng để khắc phục được vấn đề này cần thắt chặt quản lý Nhà nước về việc phát thải rác thải nhựa vào môi trường và nâng cao ý thức của người dân.
Nếu cùng làm song song cả 2 biện pháp như thế sẽ khắc phục được vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học và kinh tế môi trường đến từ các trường đại học Mỹ đã có khóa giảng dạy về môi trường cho giáo viên của 20 trường Trung học phổ thông ở Bình Định.
Các bài giảng gồm giới thiệu về khoa học môi trường và phát triển bền vững; tác động của con người đến môi trường biển; ô nhiễm chất thải nhựa: quá khứ, hiện tại và tương lai; ảnh hưởng của ô nhiễm chất thải nhựa đến môi trường/hệ sinh thái và phát triển kinh tế; tái sử dụng chất thải nhựa và lựa chọn khác của Việt Nam và thế giới; chính sách và quản lý ô nhiễm môi trường ở Việt Nam; tầm quan trọng của giáo dục đối với việc bảo vệ môi trường; tầm quan trọng của việc phát triển bền vững…
Khóa học nhằm nâng cao kiến thức và khả năng hiểu biết về khoa học môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa và ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái, sức khỏe con người và phát triển kinh tế-xã hội.
Những kiến thức này sẽ được giảng dạy cho học sinh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa đối với hệ sinh thái, đời sống con người và phát triển kinh tế-xã hội.
Sau khi thí điểm ở Bình Định, mô hình giáo dục này và sẽ được ứng dụng cho các tỉnh, thành khác./.