Hơn 100ha rừng keo bị cháy, người dân lâm cảnh trắng tay

0
Hơn 100ha rừng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị thiệt hại sau vụ cháy xảy ra vào ngày 21/4. Ảnh: K.X.

Hơn 100ha rừng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị thiệt hại sau vụ cháy xảy ra vào ngày 21/4. Ảnh: K.X.

Mấy ngày qua, anh Ngô Minh Châu (trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cùng hàng chục lao động vẫn đang tất bật khai thác 30ha cây keo của gia đình tại khu vực rừng sản xuất ở xã Đại Quang (huyện Đại Lộc) bị lửa thiêu rụi cách đây hơn 1 tuần.

Đây là diện tích rừng vợ chồng anh Châu bỏ không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc để đầu tư cách đây 5 năm trước. Nhìn cánh rừng vốn xanh tốt trong phút chốc trở thành màu xám xịt, gia đình anh không khỏi xót xa.

Anh Châu cho biết, rạng sáng ngày 21/4, anh nhận cuộc gọi của người dân sinh sống gần khu vực rừng Đại Quang báo rừng keo đang cháy lớn. Ngay lập tức, anh cùng vợ chạy xe máy vượt hơn 10 cây số tới bìa rừng, sau đó bỏ lại xe và tiếp tục đi bộ thêm 1km nữa để vào rừng keo nhà mình. Tại đây, hai vợ chồng thất thần khi chứng kiến cảnh ngọn lửa lớn bao trùm cả khu rừng rồi cứ thế cháy lan ra diện rộng.

“Rừng ở cách xa khu dân cư nên thời điểm đó không biết lấy nước, công cụ ở đâu để dập lửa. Vậy nên, chỉ còn cách là cùng một số người khác khoanh vùng đám cháy, phát dọn thực bì để hạn chế đám cháy lan rộng. Mãi đến gần chập tối, nhờ cơn mưa dông nên ngọn lửa mới cơ bản được khống chế, chỉ còn cháy âm ỉ ở một vài khu vực và được lực lượng kiểm lâm cùng người dân phối hợp dập tắt”, anh Châu kể lại.

Vụ cháy khiến nhiều chủ rừng thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: K.X.

Vụ cháy khiến nhiều chủ rừng thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: K.X.

Cũng theo anh Châu, diện tích rừng này trong năm nay gia đình sẽ thu hoạch. Với giá keo hiện tại ở mức 1,2 triệu đồng/tấn, dự kiến anh sẽ thu được khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bị cháy chỉ còn cách chặt bán làm củi với giá chỉ khoảng 250.000 đồng/tấn. Đó là chưa tính đến chuyện cây bị cháy mất nước, giảm trọng lượng đáng kể. Ngoài ra, để thu hoạch hết số lượng này cũng mất vài tháng, tốn kém tiền nhân công, chi phí vận chuyển nên cũng không hy vọng vớt vát được bao nhiêu vốn.

Tương tự, năm 2023, anh Phạm Hoài Ninh (ngụ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) dốc toàn bộ vốn liếng rồi vay mượn ngân hàng để mua 20ha rừng keo 3 – 4 năm tuổi với giá 2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, vào đầu tháng 5 tới đây, gia đình anh sẽ sẽ khai thác bán trả dần số nợ. Không ngờ rằng, tối 21/4, vợ chồng anh chết lặng khi nhận tin rừng keo của mình bị cháy.

Người dân chỉ còn cách chặt bán làm củi để mong gỡ lại chút vốn. Ảnh: K.X.

Người dân chỉ còn cách chặt bán làm củi để mong gỡ lại chút vốn. Ảnh: K.X.

“Đây là lần đầu tiên tôi lâm vào tình cảnh điêu đứng như vậy. Cách đây một tháng, 20ha keo này đã được thương lái chốt giá 1,1 tỷ đồng. Bây giờ cây bị cháy nên họ không mua nữa. Trong khi đó, gần 800 triệu đồng tiền nợ ngân hàng mua đất rừng sắp đến hạn thanh toán. Trận hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ vốn liếng, mồ hôi công sức mà gia đình bỏ ra. Coi như trắng tay rồi, chỉ biết khai thác bán củi mong gỡ lại được chút nào hay chút đó rồi trồng vụ mới”, anh Ninh nghẹn ngào nói.

Theo ghi nhận, vụ cháy khiến cho những quả đồi trồng keo bị cháy xém, các cây keo lớn nhỏ ở các độ tuổi khác nhau bị thiêu rụi hoàn toàn hoặc 1 phần. Một số diện tích không chịu tác động trực tiếp của ngọn lửa cũng bị ảnh hưởng của sức nóng đã bắt đầu héo lá. Hiện nay, các chủ rừng đang đưa lao động vào khai thác bán củi. Theo người dân, đợt cháy rừng này khiến cho 10 hộ dân với hơn 100ha rừng keo bị thiệt hại, trong đó, hộ ít nhất khoảng 4ha. Đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy, chỉ biết ngọn lửa xuất phát từ bìa rừng.

Ông Trần Việt Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin ban đầu về vụ cháy rừng. Hiện tại, Phòng Nông nghiệp đang chờ kiểm lâm thống kê chính xác diện tích rừng bị cháy, cũng như nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện để có phương án hỗ trợ bà con”.

Leave A Reply

10 + seven =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.