Thế giới đang thua cuộc trong trận chiến ngăn chặn thảm họa thiên tai phát sinh do biến đổi khí hậu, trong khi các mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên ngân khiến Trái Đất ấm lên vẫn nằm ngoài tầm với.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo trên, nhằm hối thúc cộng đồng quốc tế cần đẩy nhanh hơn nữa những hành động thiết thực để cắt giảm lượng khí phát thải gây biến đổi khí hậu.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Liên minh truyền thông chuyên đưa tin về khí hậu, người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ mong muốn toàn xã hội cần gia tăng sức ép lên chính phủ các nước, buộc các nhà lãnh đạo hiểu rằng họ cần tăng tốc trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề này khi đề cập đến những nghiên cứu khoa học cho thấy những mục tiêu về cắt giảm khí thải vẫn có thể đạt được. Theo ông, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có chính quyền các thành phố, khu vực và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Ông cảnh báo việc không đạt được mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể dẫn đến nhiều hậu họa như làm tan chảy tầng băng vĩnh vực của Trái Đất và làm gia tăng tần suất xuất hiện của thảm họa thiên tai.
Coi Liên minh châu Âu (EU) làm tấm gương trong những cam kết về chống biến đổi khí hậu, ông Guterres cho biết chỉ có ba trong 28 thành viên của khối này phản đối mục tiêu đến năm 2050 giảm khí thải carbon bằng 0.
Cùng với sự gia tăng nhận thức của xã hội về tình trạng biến đổi khí hậu, ông cho rằng những hy vọng vẫn còn đó, song thế giới cần thay đổi trong phương thức sản xuất thực phẩm, phương thức tổ chức, vận hành nền kinh tế cũng như sản xuất năng lượng. Ông thể hiện lạc quan về sự tăng trưởng không ngừng của năng lượng tái sinh, đặc biệt sự tăng trưởng năng lượng Mặt Trời tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, các nhà khoa học Pháp ngày 17/9 cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm khoảng 6-7 độ C vào năm 2100 nếu chính phủ các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo khuyến nghị của các nhà khoa học nước này, cần đẩy nhanh những nỗ lực để giảm khí thải carbon trên toàn cầu bằng 0 vào năm 2060. Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, Ủy ban năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA) và cơ quan thời tiết Pháp cảnh báo xu hướng nắng nóng cực đoan gia tăng trong vài thập kỷ qua, sẽ tiếp diễn ít nhất hai thập kỷ tới.
Cảnh báo trên hoàn toàn có căn cứ khi thế giới liên tiếp ghi nhận các thảm họa thiên tai gây hậu quả nặng nề, thời tiết nóng, lạnh cực đoan tại nhiều nước trên thế giới. Điển hình nhất là đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu trong mùa Hè 2019 khi nhiều nước khu vực này trải qua những ngày nắng nóng lên tới 46 độ C./.