Mùa xuân đã về trên những bản làng Tây Nguyên, mang theo nắng vàng ấm áp, xua tan không khí lạnh còn sót lại. Mùa xuân cũng là dịp để người Jarai tổ chức những lễ hội truyền thống, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Thường niên, sau khi đón Tết Nguyên đán, dân làng O Grang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại tất bật chuẩn bị cho lễ cúng rừng.
Gìn giữ nghi lễ linh thiêng
Sau buổi họp thôn và phân công nhiệm vụ, sáng sớm, trước hôm diễn ra lễ cúng rừng, một tốp thanh niên trong làng mang theo dao, rựa và những dụng cụ cần thiết, tiến lên rừng chặt những ống lồ ô để chuẩn bị cho việc lam cơm, nướng thịt. Một nhóm khác sẽ dọn dẹp sạch sẽ nơi được chọn để tổ chức lễ cúng. Phụ nữ trong làng được phân công đi nhặt củi khô, lấy nước và gùi gạo nếp lên rừng. Heo, gà và rượu ghè cũng được đưa lên rừng từ trước. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng để lễ cúng rừng diễn ra thuận lợi nhất.
Hôm sau, Già làng O Grang Siu Dơih dẫn đầu, cùng người dân trong làng và khách mời, men theo lối nhỏ để lên rừng. Dọc đường đi, không ai được phép chặt hay bẻ cây rừng. Vị trí được Già làng chọn làm lễ cúng là nơi bằng phẳng, dưới một gốc cây to, gần suối để thuận tiện lấy nước. Đến nơi, Già làng lấy một cái lá to, bày lễ cúng gồm: gan heo sống, gan gà sống, một ít thịt gà; xương sống liền đuôi con heo được treo lên gốc cây tại vị trí cúng; một ghè rượu; nỏ và một bó tên được dựng ngay bên cạnh lễ vật.
Đúng 10 giờ 30 phút, trước sự chứng kiến của dân làng và khách mời, Già làng Siu Dơih trong trang phục truyền thống, kính cẩn đọc lời cúng: Xin các vị thần núi, thần rừng che chở, bảo vệ cho dân làng trước thiên tai, bão lũ; cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; người dân luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Đồng thời, thay mặt dân làng, hứa sẽ đoàn kết cùng bảo vệ rừng, không chặt phá để rừng luôn tốt tươi, xanh mát, điều hòa khí hậu. Sau lời cúng, Già làng lấy rượu ra lá để mời thần linh rồi vít cần, hút một ngụm rượu đầu tiên.
Lễ cúng kết thúc, Già làng mời tất cả người dân và khách mời cùng tham gia ăn tiệc, đó là những món ăn truyền thống được được chế biến ngay tại rừng, là thịt nướng, là cơm lam, lá mì xào cà đắng. Mọi người vừa uống rượu cần, vừa trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động trồng và bảo vệ rừng, thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng người Jarai và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương.
Rừng là chỗ dựa tâm linh
Trong không khí vui vẻ của lễ cúng, chị Puih Vít – Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ thôn O Grang chia sẻ: Rừng có ý nghĩa rất lớn với buôn làng người Jarai từ thời chiến tranh cho đến nay. Phong tục cúng rừng là phong tục truyền thống từ lâu đời, nhưng không được thực hiện thường xuyên do điều kiện hoàn cảnh kinh tế. Nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, phong tục cúng rừng đã được dân làng tổ chức hằng năm.
Rừng có ý nghĩa rất lớn với buôn làng người Jarai từ thời chiến tranh cho đến nay. Phong tục cúng rừng là phong tục truyền thống từ lâu đời, nhưng không được thực hiện thường xuyên do điều kiện hoàn cảnh kinh tế. Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, phong tục cúng rừng đã được dân làng tổ chức hằng năm.
“Mình rất vui vì phong tục cúng rừng đã được gìn giữ, duy trì và phát huy đến nay. Qua lễ cúng rừng sẽ giúp dân làng và thế hệ con cháu nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ rừng, để được hưởng những lợi ích mà rừng mang lại”, chị Puih Vít cho hay.
Năm nay là năm thứ 4, cộng đồng người Jarai ở xã Ia Pếch tổ chức lễ cúng rừng, người dân trong làng ai cũng rất ủng hộ và háo hức để được tham gia lễ cúng. Như anh Rơ Mah Tuân (làng O Grang) phấn khởi nói: “Có rừng mới có nguồn nước, khí hậu trong lành, bà con khỏe mạnh, nên mình đã cùng dân làng chuẩn bị rất tốt cho lễ cúng này. Mình tự ý thức được phải bảo vệ rừng, không săn bắt thú rừng, làm gương để răn dạy con cháu noi theo”.
Chung vui cùng người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch Phạm Thị Kim Tuyến vừa kết hợp tuyên truyền về bảo vệ rừng, vừa động viên, khuyến khích dân làng tăng cường phối hợp cùng với lực lượng bảo vệ rừng của xã, tích cực tuần tra, kiểm soát rừng. “Nhờ những tin báo của người dân mà xã Ia Pếch đã kịp thời phát hiện các vụ việc xâm phạm đến rừng và có những biện pháp ngăn chặn, phòng tránh hiệu quả, để rừng không bị tác động. Chúng ta hãy cùng nhau giữ vững diện tích tích rừng hiện có và quyết tâm nâng cao diện tích rừng trong thời gian tới”, bà Tuyến kêu gọi.
Chính sự sát cánh của địa phương đã khiến dân làng luôn đồng hành, để công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã Ia Pếch luôn được nâng cao và đạt kết quả tốt. Lễ cúng rừng vừa là nét văn hóa truyền thống mang ý nghĩa tâm linh cần được lưu giữ, vừa là hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng thực sự có hiệu quả.
Dưới tán rừng xanh mát, dân làng và cán bộ chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm, cùng thưởng thức món ăn ngon, uống rượu và hát vang những bài hát truyền thống của dân tộc bản địa, không khí vui vẻ, tiếng cười giòn vang cả một góc rừng. Mong rằng, sự đồng lòng bảo vệ rừng của người dân sẽ được đền đáp bằng một mùa lúa căng đầy trong kho, những dòng nước suối trong vắt chảy không ngừng và khí hậu ôn hòa, không có thiên tai, mưa bão…
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường