Ngày Quốc tế về rừng: Kích hoạt những tiềm năng chưa được khai thác

0
Cục trưởng Trần Quang Bảo: 'Ngành lâm nghiệp cần tháo gỡ và kích hoạt những tiềm năng của rừng chưa được khai thác'. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Trần Quang Bảo: “Ngành lâm nghiệp cần tháo gỡ và kích hoạt những tiềm năng của rừng chưa được khai thác”. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân Ngày Quốc tế về rừng (21/3), Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp xung quanh chiến lược phát triển của ngành trong bối cảnh môi trường đang đối diện rất nhiều thách thức.

Trong nhiều chỉ đạo điều hành xuyên suốt thời gian qua, Bộ NN-PTNT định hướng phát triển ngành lâm nghiệp đa giá trị và nâng cao hơn nữa chất lượng rừng. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những nội dung này?

Theo đánh giá, phân tích của các nhà khoa học thì hệ sinh thái rừng cung cấp cho con người, môi trường và nền kinh tế rất nhiều giá trị, bao gồm các giá trị trực tiếp như cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, hay giá trị gián tiếp là cung cấp sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ.

Với tổng diện tích rừng là 14,7 triệu hecta cùng độ che phủ hơn 42%, rừng chiếm một không gian sống rất rộng lớn tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng núi, vùng sâu, vùng xa với khoảng gần 20 triệu đồng bào sinh sống trong rừng và gần rừng.

Việt Nam là nơi có đặc điểm địa hình phong phú. Các vùng địa lý khác nhau, độ cao, thấp khác nhau được đặc trưng bởi các hệ động, thực vật khác nhau tạo ra sự đa dạng hệ sinh thái rừng. Mỗi hệ sinh thái rừng đặc trưng cho một vùng, miền là nơi sinh sống của một nhóm các dân tộc trong 54 dân tộc ở Việt Nam, với sự đa dạng của các nền văn hóa gắn với truyền thống sinh sống lâu đời. Như vậy, giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng rất phong phú, đa dạng.

Với quan điểm đổi mới về phát triển ngành trong giai đoạn hiện nay, với khát vọng “Lâm nghiệp Việt Nam hiện đại và sáng tạo, phát triển hài hòa và bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, chúng ta cần phát huy, sử dụng đa dạng các giá trị của hệ sinh thái rừng.

Mục đích nhằm tạo ra nguồn lực nhiều hơn cho xã hội, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu gia tăng. Cùng với nhu cầu thụ hưởng của con người hướng tới giá trị tinh thần cao hơn, đòi hỏi việc khai thác các giá trị mới từ rừng ngày càng phải trở nên “thông minh” hơn, chúng ta cần khai thác, sử dụng một cách khôn khéo mà không làm suy giảm giá trị của rừng, đất rừng.

Không thể không kể đến những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học mà Việt Nam đã đưa ra xuyên suốt thời gian qua. Định hướng về sử dụng rừng, vì thế, cũng thay đổi theo và được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Xu hướng chung hiện nay là giảm dần việc khai thác các nguyên liệu gỗ trực tiếp từ rừng, nâng cao hơn nữa chất lượng rừng.

Đồng thời, hệ thống chính sách cũng hướng tới giải quyết hài hòa vấn đề nâng cao sinh kế cho những người dân đang được giao rừng và giữ rừng. Trên cơ sở đó, những giá trị mới từ rừng như dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon… có thể đem lại những lợi ích thiết thực.

Các đại biểu trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây trong khuôn viên trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: BT.

Các đại biểu trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây trong khuôn viên trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: BT.

Ngày 21/3 hàng năm được Liên Hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế về rừng. Năm 2024, ngày này có chủ đề “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Ông có chia sẻ gì về chủ đề này?

Ngày Quốc tế về rừng (21/3) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 28/11/2012 và được tổ chức đầu tiên vào năm 2013. Từ đó đến nay, sự kiện này được duy trì thường niên với các chủ đề khác nhau theo từng năm.

Năm 2024, Ngày Quốc tế về rừng có chủ đề “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Thông điệp này nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của cuộc cách mạng về đổi mới sáng tạo đang diễn ra sôi nổi trên toàn thế giới, mang lại cho cuộc sống con người nhiều giải pháp, đồng thời định hình lại cách mà thế giới vận hành.

Trong đó, nhiều công nghệ đã phát triển và hỗ trợ con người để khai thác và sử dụng rừng một cách hiệu quả và bền vững hơn, mang lại cho con người cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, trân trọng những giá trị từ thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đe doạ trực tiếp đến an ninh, an toàn của nhân loại.

Vật liệu có nguồn gốc từ rừng đã được các cư dân trên toàn thế giới sử dụng trong suốt quá trình hình thành và tiến hoá của loài người. Tuy nhiên ngày nay, sự phát triển của công nghệ cho phép con người khai thác các giá trị từ tự nhiên một cách hiệu quả hơn để thay thế bền vững cho vật liệu nhựa, vật liệu xây dựng, vải, thuốc và nhiều giá trị khác.

Một số nước tiên phong ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Hoa Kỳ đã ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để tìm ra những các vật liệu thay thế gỗ, từ xen-lu-lô. Đây có thể coi là một cuộc “trở về” để con người nhận thấy tiềm năng của rừng là rất lớn. Hiện chúng ta mới chỉ tiếp cận được một phần nhỏ của “kho báu” đó.

Điều này cũng phù hợp với quan điểm và định hướng của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian tới về việc đổi mới trong nhận thức và hành động, để phát huy và khai thác đa giá trị của rừng. Những nội dung này đã được cụ thể hoá tại Quyết định số 208 ngày 29/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thông điệp của Ngày Quốc tế về rừng năm nay cũng nhấn mạnh đến việc chúng ta cần khôi phục, phát triển, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững, dựa vào các thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, như công nghệ vệ tinh, máy bay không người lái, công nghệ sinh học, giống cây trồng, hay công nghệ về vật liệu…

Bằng giải pháp về công nghệ, cùng với nhau, chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: môi trường sinh thái hơn – kinh tế phát triển hơn – chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp hỗ trợ ổn định sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc. Ảnh: Kiều Phương- Tùng Đinh.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp hỗ trợ ổn định sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc. Ảnh: Kiều Phương- Tùng Đinh.

Để thực hiện những mục tiêu như ông vừa chia sẻ, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ triển khai những hoạt động gì để sớm đạt được hiệu quả?

Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người.

Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 208 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quan tâm đến 5 nhóm nội dung chính.

Một là, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ: Hình thành một số vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở các vùng trọng điểm; từng bước tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng trong nước cho ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Ngoài ra, phát triển gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Hai là, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu. Ba là, phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp. Bốn là, phát triển dịch vụ môi trường rừng: đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Năm là, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ trên, Cục Lâm nghiệp rất cần sự phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững, đồng thời tháo gỡ và kích hoạt những tiềm năng của rừng chưa được khai thác và huy động những nguồn lực mới từ xã hội để tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng.

Xin cảm ơn ông!

Leave A Reply

19 + 6 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.