Ngôi nhà của động vật hoang dã

0

Cân bằng hệ sinh thái

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được xác định là vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực trung Trường Sơn Việt Nam. Do đó ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái rừng, nơi đây còn triển khai rất hiệu quả nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, được Bộ ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

VQG Vũ Quang đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp, sau đó nuôi dưỡng, chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về môi trường sống tự nhiên. Ảnh: VQG cung cấp.

VQG Vũ Quang đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp, sau đó nuôi dưỡng, chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về môi trường sống tự nhiên. Ảnh: VQG cung cấp.

Số liệu thống kê trong 4 năm trở lại đây (từ 2020 – 2023) cho thấy, VQG Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, có gần 100 cá thể là động vật nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, như: Khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ; khỉ mốc; vượn đen má trắng; cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền… đã được đưa về vườn chăm sóc, theo dõi trước khi thả về tự nhiên.

Lãnh đạo VQG Vũ Quang chia sẻ, những cá thể hoang dã bị nuôi nhốt thường thay đổi tập tính và gây nên những nguy cơ tiềm tàng cho người nuôi. Do không được ở trong môi trường sống tự nhiên nên con vật bị căng thẳng, trở nên hung dữ hoặc buồn bã, và chúng sẵn sàng tấn công bất cứ ai, kể cả người nuôi chúng.

Ngoài làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn, VQG Vũ Quang còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phân loại, bảo quản tang vật là động vật hoang dã, giúp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật trái phép.

“Động vật hoang dã cũng tiềm tàng nguồn gây bệnh cho con người do tiếp xúc với chúng. Nhiều bệnh từ động vật hoang dã đã trở thành đại dịch mà điển hình là dịch Covid – 19. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ và đưa động vật hoang dã về với thiên nhiên nơi mà chúng được sinh ra và phát triển khỏe mạnh để duy trì sự phong phú, đa dạng của các loài sinh vật trong môi trường tự nhiên”, vị này nói.

Bên cạnh việc hợp tác trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã với chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh Hà Tĩnh, những năm gần đây, VQG Vũ Quang cũng là địa chỉ tin cậy để các tổ chức, vườn quốc gia khác trên toàn quốc gửi gắm nhiều cá thể động vật hoang dã phù hợp vùng sinh thái, phục vụ công tác bảo tồn loài.

Đơn cử, phối hợp với Trung tâm cứu hộ và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (VQG Hoàng liên – Lào Cai) tiến hành khảo sát và tái thả 12 cá thể linh trưởng vào khu vực VQG Vũ Quang; chuyển giao cá thể cò mỏ thìa quý hiếm (Platalea minor) cho VQG Xuân Thủy (Nam Định) để tái thả về vùng phân bố; chuyển giao cá thể già đẩy Java (Leptoptilos javanicus) cho VQG Cát Tiên (Lâm Đồng) hay bàn giao cá thể Vượn đen Má trắng (Nomascus leucogenys) cho VQG Cúc Phương (Ninh Bình).

Cán bộ chuyên môn VQG Vũ Quang chăm sóc động vật hoang dã. Ảnh: VQG cung cấp.

Cán bộ chuyên môn VQG Vũ Quang chăm sóc động vật hoang dã. Ảnh: VQG cung cấp.

Lãnh đạo VQG Vũ Quang cho rằng, việc phối hợp giữa các tổ chức, VQG trên địa bàn cả nước là cực kỳ cần thiết cho công tác bảo tồn, cân bằng hệ sinh thái đối với các loài động vật hoang dã. Mỗi vùng sinh thái sẽ thích hợp cho mỗi loài động vật sinh trưởng và phát triển. Việc cứu hộ, chuyển giao các cá thể về đúng “nhà” của chúng sẽ góp phần giúp các loài có cơ hội tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên của nó. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, giữ cho các loài trong hệ sinh thái tương tác và giúp duy trì chu trình thức ăn, môi trường sống ổn định.

Đặc biệt, khi cân bằng hệ sinh thái, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, không khí… sẽ thực hiện một cách hợp lý và bền vững. Điều này giúp duy trì nguồn tài nguyên cho các thế hệ động vật trong quá trình sinh trưởng, phát triển.

Nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng dân cư

Song hành với nhiều giải pháp cứu hộ của ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, thời gian qua, thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, VQG Vũ Quang lồng ghép nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh, sinh viên… trong công tác bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

Mới đây nhất, ông Trần Đức Hà, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân phát hiện 3 cá thể khỉ vàng quý hiếm đến tại vườn nhà, sau đó bắt giữ rồi chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình. Nhận thấy các cá thể khỉ vàng này là loài động vật quý hiếm, cần được bảo tồn nên ông Hà chủ động liên hệ Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân để bàn giao cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên.

Những cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt tại VQG Vũ Quang. Ảnh: VQG cung cấp.

Những cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt tại VQG Vũ Quang. Ảnh: VQG cung cấp.

“Mấy năm nay việc tự nguyện giao nộp động vật rừng từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Nghi Xuân ngày càng phổ biến. Sau khi hoàn tất các thủ tục, chúng tôi đều bàn giao cho VQG Vũ Quang cứu hộ, chăm sóc trước khi thả về rừng”, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân nhấn mạnh.

Cá thể động vật hoang dã sau khi đưa về VQG Vũ Quang hầu hết được chăm sóc, huấn luyện tập tính hoang dã trước khi tái thả về rừng để sinh tồn, phát triển.

Leave A Reply

2 × 3 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.