Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện loài Thằn lằn giun Ninh Thuận sống chui dưới đất, không có chân và rất khó bắt gặp.
Loài thằn lằn giun Núi Chúa có tên khoa học Dibamus tropcentr Kliukin, Nguyen, Bragin & Poyarkov, 2023, lần đầu tiên mô tả và công bố trên tạp chí Zootaxa hôm 1/12. Loài mới được các nhà nghiên cứu từ Đại học Lomonosov và Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Đại học Duy Tân, phát hiện và mô tả dựa trên các mẫu vật thu thập được từ Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Đây là loài thứ 7 của giống Dimamus được ghi nhận ở Việt Nam, nâng tổng số loài của giống này lên 25 loài.
Ths Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết loài thằn lằn mới có chiều dài khoảng 10-12cm, hình thái giống giun, chuyên sống chui lủi trong đất, gần thảm gỗ mục, đặc biệt khu vực đất ẩm và có tổ mối, nên rất khó phát hiện. “Thông thường loài thằn lằn sẽ có chân và mắt, màng nhĩ, và các chi, song loài mới này chân gần như tiêu biến do thích nghi sống chui luồn trong đất”, Ths Tân nói.
Loài mới thuộc giống Dibamus của họ Thằn lằn giun Dibamidae. Dibamidae gồm hai giống, gồm Anelytropsis Cope, 1885 ghi nhận ở Mexico và giống Dibamus Duméril & Bibron, 1839 có phân bố rộng khắp các lục địa và đảo.
Họ Dibamidae được gọi là thằn lằn mù bởi đây là nhóm không có mắt. Chúng đại diện cho một nhóm thằn lằn cổ gồm các loài có vảy nhưng không có chi, đặc trưng bởi vẻ ngoài giống các loài giun. Đôi mắt được che phủ hoàn toàn bởi vảy, không có lỗ tai ngoài và vảy được mở rộng ở trên tấm đầu. Tuy nhiên không giống các loài khác của giống Dibamus, loài mới có sự xuất hiện của đường rãnh môi cơ bản, đuôi dài hơn và số lượng vảy dưới phần đuôi và hàng vảy ở giữa thân nhiều hơn.
Ths Tân nói thêm, loài thằn lằn mù tiến hóa có thích nghi nên có hình thái giống giun dễ bị nhầm lẫn là giun đất. Loài rất khó phát hiện, dù mắt tiêu biến, không có chân nhưng chúng di chuyển rất nhanh. Anh kể cùng với hai đồng nghiệp tại Đại học Lomonosov (Nga) và Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga khảo sát Vườn Quốc gia Núi Chúa trong nhiều tháng từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023 để lần ra dấu vết. Bởi vậy, tên của loài mới đặt để vinh danh những nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn động vật của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga tại Việt Nam.
Cho đến nay loài Dibamus tropcentr chỉ được biết đến từ bảy mẫu vật được thu thập từ Vườn Quốc gia Núi Chúa, các phân tích chuyên sâu về sinh học phân tử đang tiến hành.
Mặc dù chưa có đánh giá về sinh thái học, quần thể (xu hướng, kích cỡ), tập tính… của loài này nhưng theo các nhà nghiên cứu, chúng có kích thước quần thể khá nhỏ và dường như phân bố hẹp tại VQG Núi Chúa. Các mối đe dọa đối với Dibamus tropcentr cũng chưa được biết đến nhiều, tuy nhiên loài này có khả năng liên quan chặt chẽ đến môi trường sống, cụ thể được tìm thấy trong các khu rừng thường xanh khô ven biển ở độ cao thấp (200-280 m).
Nguồn: Như Quỳnh – Báo điện tử VnExpress.net