Phục hồi Đất ngập nước: Hãy bắt đầu từ hôm nay !

0

“Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay” là lời kêu gọi toàn thế giới hãy cứu lấy vùng đất ngập nước (ĐNN) khi đã có hơn 35% diện tích ĐNN tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Thông điệp đã nêu bật vấn đề cấp thiết và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động có thể để phục hồi vùng ĐNN đang bị suy thoái.

Để hưởng ứng thông điệp trên của Ban thư ký Công ước Ramsar và lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ “Phục hồi Hệ sinh thái”, các hoạt động hưởng ứng của Việt Nam tập trung vào tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng ĐNN đối với sự sống của con người và thiên nhiên, tăng cường nhận thức về các mối đe dọa chính đối với hệ sinh thái ĐNN, đồng thời, kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng ĐNN, tăng cường quản lý, phục hồi ĐNN.

thumbnail_anh-1.jpg
Chim di trú tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định)

Hướng tới phát huy giá trị hệ sinh thái ĐNN

Tại Việt Nam, diện tích ĐNN lên tới khoảng 12 triệu ha và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước. Những khu vực này có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa – xã hội. Thống kê cho thấy, các vùng ĐNN đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ đô la Mỹ. Do đó, việc bảo tồn và phát triển các vùng ĐNN là một trong những mục tiêu để Việt Nam phát triển bền vững (PTBV).

Việt Nam chính thức gia nhập Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) từ năm 1989. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý ĐNN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý và PTBV ĐNN ở Việt Nam. Gần đây nhất, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN được ban hành và đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN, đặc biệt là phát huy các giá trị dịch vụ, bảo vệ đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái ĐNN có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế – xã hội. Trên cơ sở các quy định này, Việt Nam hướng tới quản lý ĐNN phải dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, quản lý tổng hợp các đối tượng, các mối quan hệ qua lại tác động lên các thành phần của hệ sinh thái ĐNN và tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, xuyên biên giới để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ hệ sinh thái của ĐNN.

Với nỗ lực của Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, năm 2020, Việt Nam công bố thành lập thêm được 2 khu bảo tồn ĐNN gồm Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế) và Khu bảo tồn ĐNN Thái Thụy (Thái Bình). Năm 2021, Việt Nam đề cử danh hiệu khu Ramsar cho vùng ĐNN Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch 47 vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc…

Nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN gồm: Việc bảo tồn và sử dụng vùng ĐNN phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng ĐNN; Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng ĐNN và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng ĐNN; Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái ĐNN.

Thực tiễn cho thấy, một trong những xu hướng bảo tồn mới hiện nay đang cho thấy hiệu quả tích cực là kết hợp các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, các hoạt động du lịch sinh thái với bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN. Cách làm này vừa phát huy lợi thế riêng của các khu ĐNN vừa thu hút cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường chung.

Thông qua các quy định của pháp luật, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng ĐNN; Phục hồi các vùng ĐNN quan trọng, các hệ sinh thái ĐNN tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng ĐNN. Bên cạnh đó, người dân cũng hỗ trợ công tác quản lý bằng cách tham gia giám sát các hoạt động trên vùng ĐNN quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật.

Mục tiêu năm 2025, cả nước sẽ có 13 khu Ramsar

Thực tiễn cho thấy, các khu ĐNN đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam chung tay với thế giới thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, ứng phó với các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu. Việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN giai đoạn 2021 – 2030 có thể xem như bước khẳng định chắc chắn của Việt Nam sẽ song hành cùng nỗ lực quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị của các vùng ĐNN.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có 13 khu ĐNN được công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) và tăng lên 15 khu vào năm 2030; tăng số lượng các khu bảo tồn ĐNN và phục hồi được ít nhất 25% vùng ĐNN quan trọng bị suy thoái. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Bộ TN&MT và các địa phương, cơ quan liên quan đang nỗ lực tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng ĐNN quan trọng, các vùng ĐNN quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng ĐNN quan trọng. Công việc này cần hoàn thành vào năm 2025 để có căn cứ khoanh vùng bảo tồn, tăng diện tích các vùng ĐNN quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là thành viên tích cực của Sáng kiến khu vực Ramsar Indo-Burma của Đông Nam Á (bao gồm 5 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar).

Đến nay, Việt Nam đã có 9 khu ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: 7 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Nam Định; Ba Bể, Bắc Kạn; Bầu Sấu – Cát Tiên, Đồng Nai; Tràm Chim, Đồng Tháp; Mũi Cà Mau, Cà Mau; Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; U Minh Thượng, Kiên Giang) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, Long An; Vân Long, Ninh Bình).

Đến năm 2030, các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc cần được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN&MT), để đạt được những mục tiêu này, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị ĐNN, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng ĐNN vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển. Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng ĐNN để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới 2023 cũng là cơ hội để góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về giá trị và tầm quan trọng của các vùng ĐNN, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng ĐNN, tăng cường quản lý, phục hồi ĐNN.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

Leave A Reply

4 × 4 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.