Phương hướng nhiệm vụ bảo vệ môi trường 2019

0
​​Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 về việc tích cực và quyết liệt triển khai công tác quản lý và BVMT ngay từ những ngày đầu năm 2019, cùng với thực hiện Quyết định số 12/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, Tổng cục Môi trường đã xác định tám nhóm nhiệm vụ công tác chủ yếu trong năm 2019.​

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, quy hoạch về BVMT

Năm 2019, Tổng cục sẽ huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực về luật, môi trường, đầu tư, xây dựng…tham gia phân tích, đánh giá, đề xuất các nội dung, giải pháp khắc phục các chồng chéo, vướng mắc, bất cập của Luật BVMT hiện hành, những xung đột với các đạo luật có liên quan. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý môi trường mới để thể chế hóa trong dự án Luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tăng cường xã hội hóa, huy động sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào công tác BVMT (BVMT).

Đặc biệt, sẽ rà soát những quy định trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật BVMT, Bộ Luật hình sự sửa đổi để đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý hành chính trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP bảo đảm sự tương thích.

Tổng cục sẽ chú trọng rà soát, tổng hợp các quy chuẩn Việt Nam hiện hành; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn thải của các nước phát triển trên thế giới. Trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam…

Xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của Luật quy hoạch và Luật sửa đổi các Luật có liên quan đến quy hoạch

Tổng cục sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, huy động các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực BVMT , quy hoạch…xây dựng lập Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện nước ta; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Công tác quản lý chất thải

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn lên Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chính nhằm tăng cường năng lực quản lý CTRSH đô thị và nông thôn từ cấp trung ương đến cấp địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong năm 2019, Tổng cục Môi trường tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan hoàn thiện Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn và Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ xây dựng Đề án tổng thể tăng cường quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; hướng dẫn việc tái sử dụng chất thải, phế liệu và năng lượng dư thừa trong khu công nghiệp sinh thái thuộc quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng cục sẽ chú trọng xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề và việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Cụ thể, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 89%, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 11% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép...

Với việc kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, trước mắt, Tổng cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an triển khai các biện pháp xử lý phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an, Quốc phòng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương cập nhập thường xuyên, kịp thời và công bố danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các tổ chức tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, các thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Đối với công tác quản lý chất thải, Tổng cục tham mưu Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý, xử lý rác thải đô thị, nông thôn; điều tra, khảo sát, đánh giá để nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững. Tập trung nghiên cứu, rà soát cơ chế để quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương. Tăng cường quản lý xử lý chất thải, phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 85% tại khu vực đô thị và trên 55% tại khu vực nông thôn.

Chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát các quy hoạch quản lý chất thải rắn cho phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất; xây dựng và trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các hướng dẫn kỹ thuật thu hồi và xử lý thiết bị điện, điện tử thải bỏ; thu hồi và xử lý phương tiện giao thông thải bỏ.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại; yêu cầu đến hết năm 2019 các cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép có 100% hệ thống xử lý khí thải lò đốt được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền dữ liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường để theo dõi, giám sát…

Rà soát, kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường, gây ô nhiễm môi trường

Tổng cục sẽ chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; rà soát, tiếp tục thành lập các Tổ giám sát về BVMT đối với  các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hộiĐặc biệt, tăng cường, đôn đốc và xử lý nghiêm các KCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn theo quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục kết nối dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường nhưng trong các năm qua chưa thực hiện.

Rà soát và hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật về môi trường nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải phù hợp với khung kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường.

Tăng cường BVMT các lưu vực sông, cải thiện, phục hồi môi trường  

Tổ chức triển khai kết luận của Chủ tịch Ủy ban BVMT các lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy, hệ thống sông Đồng Nai; phối hợp với các địa phương trên lưu vực xây dựng và triển khai các dự án điểm về xử lý ô nhiễm. Tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong triển khai các dự án điểm, kinh phí đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu thuế BVMT đối với xăng, dầu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực huy động có hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư các trạm xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào lưu vực theo cơ chế xã hội hóa. Tăng cường trách nhiệm của các địa phương có lưu lượng thải lớn ra lưu vực trong xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và công tác cải tạo, phục hồi môi trường; triển khai bộ chỉ thị môi trường quốc gia và xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT

Năm 2019, Tổng cục dự kiến thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 313 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn 20 tỉnh/thành phố (Bắc Giang, Bắc Kạn, Hải Phòng, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cần Thơ).

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; bao gồm 15 cơ sở trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố (Bắc Giang, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Lai Châu, Nghệ An, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Phú Yên, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An).

Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra trách nhiệm đối với một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về BVMT đối với các cụm công nghiệp, làng nghề tại một số tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thừa Thiên Huế,…

Tổng cục tiếp tục vận hành có hiệu quả đường dây nóng cấp trung ương về việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường đặt tại Tổng cục; triển khai bộ chỉ thị môi trường quốc gia và xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia…

Tăng cường quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường xung quanh tại các khu vực, địa bàn trọng điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường

Tổng cục tiếp tục tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc định kỳ về không khí và nước tại các lưu vực sông; về nước mặt vùng Tây Nam Bộ; Vu Gia-Thu Bồn; 04 vùng Kinh tế trọng điểm; công trình thuỷ điện tại khu vực Tây Nguyên, các khu vực nhạy cảm, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (các khu vực tại các trung tâm nhiệt điện, nhà máy giấy,…).

Bên cạnh đó, duy trì vận hành, theo dõi hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, cố định và các trạm quan trắc môi trường nước tự động, cố định tại các lưu vực sông và trạm quan trắc nước; xây dựng báo cáo môi trường quốc gia năm 2019; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường.

Tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Tổ chức rà soát, đánh giá, báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các quy định quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó tập trung hoàn thiện các quy định về: lập báo cáo đa dạng sinh học cho khu bảo tồn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

Triển khai thực hiện tốt vai trò đầu mối các Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước Ramsar, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường, Quỹ thông tin đa dạng sinh học toàn cầu (GBIF), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, Trung tâm Ramsar Đông Á (RRC), Điều phối thực hiện Sáng kiến Bảo tồn Hổ toàn cầu(GTI)Đối tác đường bay chim di cư tuyến Úc-Đông Á (EAAFP)…

Các nhiệm vụ khác

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các đề tài khoa học công nghệ nhằm cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học, thực tiễn có giá trị phục vụ việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường hiệu quả các hoạt động tư vấn, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, công nghệ về BVMT.

Duy trì, nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về môi trường; quản lý, tích hợp, cập nhật cơ sở dữ liệu môi trường; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nguồn: Cục bảo tồn đa dạng sinh học

Leave A Reply

4 × four =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.