Quảng Ninh tồn 6 triệu tấn cây rừng khô nỏ dễ cháy

0

Sau bão số 3, Quảng Ninh ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy tại hiện trường rừng bị thiệt hại, tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy diện rộng.

Nhiều diện tích rừng bị gãy đổ, không còn khả năng phục hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều diện tích rừng bị gãy đổ, không còn khả năng phục hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 434.000ha rừng và đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng 55%. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 117.000ha rừng bị thiệt hại từ 30-100% do bão số 3. Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn, ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Trong đó đa số diện tích rừng bị gẫy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, phần lớn không có khả năng phục hồi.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá hiện nay đang khô dần) tại hiện trường rừng bị thiệt hại, cùng với thời tiết diễn biến nắng nóng, hiện trường khu vực bị thiệt hại đã hình thành các lớp vật liệu khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh (con người, hoạt động sinh hoạt…) đang tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường, những hệ lụy môi trường là rất lớn có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng (trong đó Vân Đồn 3 vụ, Cẩm Phả 3 vụ, Hạ Long 1 vụ, Ba Chẽ 1 vụ, Móng Cái 1 vụ). Diện tích có rừng bị cháy khoảng 57ha, các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người là lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng tại chỗ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy là cây cối bị gãy đổ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy là cây cối bị gãy đổ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh chia sẻ, diện tích rừng bị thiệt hại là rất lớn; việc tiếp cận hiện trường gặp không ít khó khăn do địa hình bị chia cắt, hiếm trở, hạ tầng cho lâm nghiệp còn hạn chế. Do đó việc thống kê, kiểm tra và đưa ra các phương án quản lý rừng và phòng cháy chữa cháy rừng sau bão gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện còn gần 50% diện tích rừng trồng từ năm 2021-2023 bị gẫy đổ, giá trị lâm sản thu hồi sau bão cơ bản không đủ chi phí thu dọn, dẫn đến tình trạng chủ rừng chủ động đốt để chuẩn bị trồng rừng. Trong khi có còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên liền kề các khu rừng trồng bị thiệt hại hiện nay bị gẫy đổ, đang trong thời gian khô héo; do đó nguy cơ cháy lan trên diện rộng vào cả diện tích rừng tự nhiên là rất lớn. Hơn nữa sau bão khó thuê nhân công dọn dẹp, vệ sinh rừng; sau bão lượng nhân công thiếu, giá nhân công cao; giá thu mua lâm sản thấp”, ông Văn cho biết thêm.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra, trong 3 tháng cuối năm, Sở NN-PTNT tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đến tất cả các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức.

Cụ thể, tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, chủ động làm đường băng cản lửa và xử lý thực bì bảo đảm quy định, tránh cháy lan, thụ động … thông qua hệ thống thông tin cấp huyện, cấp xã, tuyên truyền lưu động đối với những ngày có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần khẩn trương chỉ đạo triển khai phương án thu dọn, vệ sinh hiện trường rừng bị thiệt hại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2832/UBND-KTTC ngày 01/10/2024 về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng trên diện tích bị thiệt hại sau bão số 3; tập trung các nguồn lực của các lực lượng huy động ưu tiên việc xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện rộng, khó kiểm soát.

Người dân, doanh nghiệp tiến hành dọn dẹp rừng, tạo đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân, doanh nghiệp tiến hành dọn dẹp rừng, tạo đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trưởng các thôn, khu trực tiếp phát phiếu để 100% chủ rừng trên địa bàn ký cam kết không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô để chuẩn bị trồng rừng (chỉ tiến hành thu gom cành, ngọn, lá vào nơi an toàn và xử lý vào ngày râm mát, buổi sáng sớm trước 9h sáng, đốt lần lượt từng dải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi.

Trước khi đốt, người dân phải thông báo tới trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ được phép đốt khi thực bì khi đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng, khi đốt phải có người canh gác và chuẩn bị đảm bảo dụng cụ chữa cháy rừng, khoảng 10 – 15m có một người gác trên dải đề phòng và dập tắt ngay các đám lửa cháy lan, đốt xong phải kiểm tra toàn bộ diện tích đốt, khi lửa tắt hẳn mới ra về, không đốt xử lý thực bì khi có thông tin dự báo cấp cháy rừng trên phương tiện giao thông đại chúng từ cấp III trở lên)

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT định hướng cho các địa phương, các chủ rừng sớm lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn để làm động lực cho việc kết hợp đồng thời với việc trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn.

Sở NN-PTNT têu cầu các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để quản lý chặt chẽ rừng thuộc sở hữu toàn dân bị gẫy đổ. Khi chưa có cơ chế đặc thù của nhà nước về xử lý tài sản sau thiên tai, các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác trình phê duyệt ngay trong tháng 10/2024 để thu dọn chuẩn bị trồng rừng.

Leave A Reply

1 × 5 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.