Các cuộc thảo luận mang tính cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về các nguy cơ vi phạm pháp luật từ các hoạt động săn, bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), đồng thời kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học (ÐDSH), bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Những ngày qua (4-6/1), các sự kiện cộng đồng đã được diễn ra tại các thôn vùng đệm của Khu bảo tồn Sao La và Vườn Quốc Gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong khuôn khổ Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID tài trợ và do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên – WWF thực hiện, với chủ đề “Giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã”.
Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ ÐVHD bất hợp pháp đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với ÐDSH, nhiều loài ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ ĐVHD đã trở thành mắt xích kết nối với đa dạng các mối đe dọa an ninh khác trên toàn cầu…
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia đã trình bày về cách phân biệt các loài ĐVHD, nhận biết những hành vi trái pháp luật, nhận diện và cách xử lý các tình huống về săn bắt ĐVHD và giúp người dân sẵn sàng báo cáo với cơ quan chức năng địa phương khi phát hiện các vi phạm…
Hàng trăm người dân đã cùng nhau thảo luận, được cán bộ góp ý, truyền tải thông tin, qua đó nâng cao nhận thức và hiểu biết về các nguy cơ vi phạm pháp luật từ các hoạt động săn, bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD.
“Tôi thấy hoạt động này thật sự bổ ích, ý nghĩa vì ở nơi chúng tôi sinh sống là miền núi, bà con dân tộc thiểu số rất nhiều mà kiến thức lại ít, ngoài ra có nhiều loài động vật quý hiếm mà tôi thấy người dân săn bắt vì chưa nhận thức cao, vì thế mong cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho bà con được hiểu và biết nhiều hơn…”, chị Hồ Thị Lan (huyện A Lưới) chia sẻ.
Theo đại diện WWF, bảo tồn dựa vào cộng đồng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ ĐDSH. Với cách tiếp cận này, cộng đồng tại các địa phương được nâng cao năng lực, trao quyền và trở thành những người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên – chính những nơi mà họ đang sinh sống, chủ động và rất linh hoạt trong các hoạt động, đồng thời đem lại những tác động tích cực và lâu dài tại địa phương.
Dự kiến trong ngày 12 – 13/1 tới, WWF sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện cộng đồng kể trên cho người dân tại Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường9