Trong khuôn khổ của Dự án quản lý rác thải khu vực nông thôn, sáng 15/5, tại Hà Nội, Tổ chức GRET Việt Nam (tổ chức phi chính phủ của Pháp) cùng các đối tác tổ chức Hội thảo quốc tế: “Quản lý rác thải rắn tại vùng ven đô, đô thị vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á.”
Hội thảo nhằm thúc đẩy các thực hành tốt cho một dịch vụ quản lý chất thải hiệu quả và bền vững tại các vùng ven đô, đô thị vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc, ông Quentin Lebegue, Trưởng Ban đô thị và xã hội Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho biết, báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (Báo cáo về chất thải 2.0) đã đưa ra dự đoán rằng, lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương sẽ tăng 30% trong 15 năm tới.
Vấn đề này đã nhận được sự chú ý của các bên có liên quan. Tuy vậy, những nỗ lực dường như tập trung nhiều hơn vào phần hậu cần (thu gom và xử lý) chứ ít chú ý hơn đến tái chế, phục hồi và các hoạt động hỗ trợ cần thiết.
Quản lý chất thải ở đô thị vừa và nhỏ, khu vực ven đô dường như còn ít được chú ý hơn. Sự đô thị hóa nhanh chóng và phát triển công nghiệp mạnh mẽ khiến lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng.
Chính quyền địa phương và các tác nhân có liên quan gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác một cách có hiệu quả, mà tỉnh Vĩnh Phúc là một điển hình.
Giai đoạn 1 của dự án PRO3 ở Vĩnh Phúc kết thúc thành công tuy nhiên thời gian tới, chính quyền địa phương và đối tác cần tiếp tục hỗ trợ để nhằm đạt được chiến lược quản lý rác thải tại Việt Nam.
Đồng thời, AFD cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 2,5 tỷ đồng nhằm đạt mục tiêu giảm lộ trình phát thải và phát triển đô thị và mạng lưới thu gom, xử lý rác thải.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình quản lý rác thải, trong đó có 5 mô hình chính.
Đó là mô hình quản lý rác thải rắn phi tập trung tại khu vực bán đô thị (Việt Nam); mô hình xử lý rác hữu cơ dựa trên cộng đồng và vận động chính sách cho việc nhân rộng tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam); mô hình quản lý rác thải của chợ tại Magway (Myanmar); tái chế và thu hồi tại Battambang (Campuchia); mô hình quản lý rác thải rắn tại Phitsanulok (Thái Lan).
Để có cái nhìn tổng quát về quản lý chất thải rắn khu vực Đông Nam Á, Ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng đại điện tổ chức GRET cho biết, hiện sự gia tăng rác thải phát sinh là vấn đề rất nóng, với tỷ lệ đô thị hóa tại Đông Nam Á trên 50%, trong đó khu vực phi chính thức (từ người dân thu gom rác thải), khối lượng rác thải được tái chế với số lượng đáng kể (nằm trong khoảng từ 5 đến 10% lượng rác thải chôn lấp).
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, khoảng 1% dân số đô thị thu thập từ rác thải, đồng thời sự phát triển của ngành tái chế tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang tăng mạnh, dẫn đến việc thay đổi việc xuất khẩu về giấy và nhựa trong quý 1 năm 2018 sang một số quốc gia trong khu vực.
Cụ thể tháng 1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa. Tháng 6/2018, Việt Nam ngừng cấp giấy phép nhập khẩu để tái chế nhựa…
Chia sẻ mô hình quản lý rác thải rắn phi tập trung tại ở Việt Nam, cụ thể tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Josenlin Ravar, chuyên gia về quản lý rác thải của Tổ chức GRET Việt Nam cho biết hiện các đơn vị quản lý chất thải rắn là các hợp tác xã môi trường kết hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnhVĩnh Phúc.
Trước kia, mô hình thường tập trung vào thu gom và xử lý, ít chú ý tới phòng ngừa, tái chế và phục hồi. Do đó có nhiều hạn chế như không quản lý chất thải một cách hợp lý, lãng phí tài nguyên tiềm năng, tác động môi trường tiêu cực cao…
Mô hình mới tại dự án PRO3 ở Vĩnh Phúc được thông qua cách thức tiếp cận tổng thể từ cộng đồng cho đến các nhà hoạch định chính sách.
Các hoạt động của dự án đã góp phần cải thiện năng lực và hoạt động mạng lưới hợp tác xã môi trường. Hiện đã có 15 xã trên địa bàn được tiến hành thí điểm thành công.
Kết quả khảo sát đã được trình lên các cơ quan có liên quan làm dữ liệu tham khảo, khi xây dựng khung giá dịch vụ đổi mới hoạt động quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận nhóm theo chuyên đề, trong đó nhấn mạnh chính quyền địa phương cần nhìn nhận và thực hiện tốt hơn đối với vấn đề xử lý rác thải hữu cơ; tổ chức dịch vụ và hợp tác giữa các bên liên quan (chính thức/phi chính thức, nhà nước/tư nhân..) nhằm hoàn thiện và hiệu quả hơn./.